Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã rõ định hướng

Thế Văn| 22/07/2022 06:51

(HNM) - Ngày 20-7, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.

Quyết định nêu rõ, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Với nỗ lực giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao năng lực chế biến nông sản, những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này… và đã hình thành được một hệ thống 7.500 doanh nghiệp, quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu có khả năng chế biến 120 triệu tấn nông sản nguyên liệu mỗi năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổn thất sau thu hoạch vẫn là cả “vấn đề” với nông nghiệp Việt Nam. Theo một thống kê của ngành Nông nghiệp, tỷ lệ thất thoát với lúa gạo là 14%, còn rau lên tới 25-30% tùy loại… Trong khi đó, công nghệ chế biến nông sản, theo đánh giá chung chỉ ở mức trung bình, quy mô nhỏ, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao không nhiều, sản phẩm chưa phong phú… Và có thể thẳng thắn nhìn nhận: Không ít chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nói như vậy để thấy, với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, phát triển công nghiệp chế biến nông sản thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm… là cần thiết, cấp thiết. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 là mục tiêu, định hướng quan trọng phù hợp với yêu cầu thực tế là tất yếu để phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, trước hết ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các ban, ngành chức năng và địa phương rà soát, đổi mới cơ chế, chính sách về đất đai theo hướng tích tụ ruộng đất, từ đó tổ chức lại các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ gắn với hệ thống nhà máy chế biến theo từng ngành hàng…; đồng thời bảo đảm nguồn cung nguyên liệu và hạ tầng kết nối các nhà máy chế biến với trung tâm dịch vụ thương mại.

Mặt khác là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực  bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch; tạo cơ chế xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư, chuyển giao công nghệ cơ giới hóa sản xuất… Đặc biệt là tạo cơ chế hình thành những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, năng lực quản lý, trình độ khoa học công nghệ ngang tầm thế giới, tạo động lực mới và làm “đầu tàu” dẫn dắt, thúc đẩy phát triển.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị, máy móc…; có chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, cũng như quản lý phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp nói chung và bảo quản, chế biến nông sản nói riêng.

Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã rõ định hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.