(HNM) - Nhiều năm nay, so với các ngành công nghiệp khác, ngành điện có một lượng khách hàng lớn đến mức luôn phải gồng hết mình mà vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu ngày càng tăng.
Cung không đủ cầu. Chiến lược phát triển của ngành nhiều năm qua luôn tụt hậu so với tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, thiếu điện luôn là chuyện thường ngày.
Còn người dân mỗi khi mất điện cũng chỉ biết kêu… trời.
Đúng ra, cách đây hơn 7 năm, ngày 26-3-2003, Chính phủ đã có Nghị định 74/2003/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực", trong đó nêu rõ trách nhiệm của bên cung ứng điện. Hơn 7 năm qua đi, kể từ khi nghị định được ban hành và đi vào cuộc sống, xem ra chuyện xử phạt các đơn vị thuộc ngành điện vi phạm quy định về cung ứng điện giống như "chuyện khoa học viễn tưởng". Người dân luôn được nghe "ông Điện lực" đưa ra các lý do được coi là "bất khả kháng" để giải thích cho việc cắt điện của mình.
Không phải người dân ta không hiểu những khó khăn của ngành điện, hay không thông cảm với ngành đang trong quá trình vừa xây dựng và phát triển. Có điều, chính sự độc quyền đã đẻ ra tình trạng cửa quyền và từ đó làm giảm đi tính minh bạch, công khai, công bằng trong quá trình phân phối loại sản phẩm đặc biệt này.
Nắng nóng. Mất điện do ngành điện không thực hiện đúng lịch thông báo cấp và cắt điện, trong 2 ngày 18 và 19-6-2010, hàng trăm người dân xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình bức xúc đến mức "áp giải" cả cán bộ xã đến chi nhánh điện để đòi được phân phối điện một cách công bằng. Tất nhiên, hành động này là quá khích, nhưng liệu ngành điện có thấy thiếu sót của mình?
Cũng trong đợt nắng nóng vừa qua, mặc dù Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thông báo nguồn cung cấp điện cho thành phố luôn đầy đủ, ấy vậy mà do "lo trách nhiệm cải tạo mạng lưới", đã khiến không ít người dân lăn ra mà ốm vì ngộp nóng. May, lãnh đạo thành phố kịp thời xử lý cách làm việc tùy tiện của ngành điện, dân mới đỡ khổ hơn. Dẫu chưa phải đã phạt đến nơi đến chốn vụ việc trên, nhưng việc làm ấy khiến người dân cũng nở lòng.
Lại nói về chuyện phạt. Ngày 15-6-2010, Chính phủ lại ban hành Nghị định 68/2010/NĐ-CP "Quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực". Trao đổi với báo giới về những vấn đề liên quan đến nghị định nhằm bảo đảm xử phạt công bằng việc mua bán điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: "Nếu cắt điện không thông báo trước, không đúng với lịch thông báo, không có lý do chính đáng thì ngành điện phải bồi hoàn cho khách hàng bị thiệt hại và bị xử phạt theo luật định".
Nghe câu trả lời dứt khoát và mạch lạc của Bộ trưởng, người dân rất mừng. Mong sao, Bộ trưởng sẽ có biện pháp với toàn ngành điện để họ làm đúng điều Bộ trưởng đã nói?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.