(HNM) - Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: Kinh tế biển cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột để thành phố phát triển. Đà Nẵng đang dần hiện thực hóa các mục tiêu này, trọng tâm là hình thành và phát triển vươn tầm để trở thành đô thị biển quốc tế.
Thành quả khi hướng ra biển
Đô thị biển được hiểu là những thành phố trên bờ biển, là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của một vùng hoặc một tỉnh, trong đó nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển, quyết định tính chất và hình thái đô thị. Tại Việt Nam, các thành phố Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… là những đô thị phù hợp với tiêu chí này.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Đà Nẵng rất khác biệt. Thành phố là đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, là một trong những hạt nhân quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đà Nẵng cũng là trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển.
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân kể từ năm 1997 (từ khi tái lập thành phố Đà Nẵng) đến nay của địa phương đạt gần 9%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 4.300USD, gấp hơn 17 lần so với năm 1997. Đà Nẵng là một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch là 25%. Quy mô đô thị năm 2022 lớn gấp 4 lần năm 1997.
Những thành tựu trên có được phần lớn là do Đà Nẵng đã quyết tâm “quay ra biển”, phát huy lợi thế từ biển. Ngay từ sau khi tái lập, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh phát triển đô thị, từ một thành phố nhỏ bên bờ Tây sông Hàn vượt sông tiến ra Biển Đông, với hàng loạt những cây cầu lớn được xây dựng. Các dự án lớn giải tỏa cả trăm nghìn ngôi nhà tạm, tạo thành những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Sơn Trà - Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa.
“Thành phố mạnh dạn thu hồi, chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc, Nguyễn Tri Phương - Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hòa Hải...; kè sông, kè biển, bảo tồn cảnh quan và khai thác tiềm năng từ biển. Các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Văn Thoại đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố đang tập trung giải tỏa các dự án chắn biển để trả lại không gian biển cho người dân và du khách”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chia sẻ.
Chờ miếng ghép cảng biển
Để triển khai chỉ đạo của Trung ương về định hướng phát triển đô thị biển, Đà Nẵng đã đề ra Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế. Tỷ lệ đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng...
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà nhận định, Đà Nẵng đang là đầu mối đường bộ, đường sắt, hàng không lớn và đã phát triển mạnh mẽ du lịch dịch vụ biển. Tuy nhiên, dù rất gần tuyến hàng hải quốc tế lớn qua Biển Đông, thành phố đang thiếu một cảng biển xứng tầm để khai thác kinh tế biển.
Nhận thức rõ vấn đề này, lãnh đạo thành phố đang dồn sức thực hiện dự án Cảng Liên Chiểu, trong bối cảnh cảng duy nhất của thành phố là Cảng Tiên Sa đang có tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng lên đến 20%/năm sẽ mãn tải vào 1-2 năm tới. Cảng Liên Chiểu là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư phần hạ tầng dùng chung là hơn 3.400 tỷ đồng, có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Cảng Liên Chiểu được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng, là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và khu vực. Trong khi đó, Cảng Tiên Sa sẽ phát triển thành cảng du lịch.
“Thành phố cũng đang triển khai đồng thời dự án đường bộ ven biển nối Cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95km, quy mô 6 làn xe. Dự án có hai nút giao khác mức bằng cầu vượt với quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc - Nam, có tổng mức đầu tư là 1.203 tỷ đồng, tạo hệ thống giao thông đồng nhất để phát huy lợi thế hệ thống cảng biển”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.