Hà Nội kết nối

Đà Nẵng: Chưa nhiều dự án khởi nghiệp được tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài

Xuân Sơn 29/09/2023 - 20:50

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, số dự án khởi nghiệp của thành phố được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Điều này đòi hỏi những giải pháp, phương án làm tiền đề để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hội nhập Quốc tế của Hệ sinh thái KNĐMST địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Sự kiện thuộc khuôn khổ Ngày hội KNĐMST thành phố Đà Nẵng - SURF 2023 do UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức hôm nay, ngày 29-9.

Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, ĐSQ Israel, chương trình Phần Lan IPP.

Các nhà đầu tư khởi nghiệp của các nước cũng bắt đầu quan tâm và đánh giá Đà Nẵng là thành phố có sự sôi động về khởi nghiệp. Một số startup tại Đà Nẵng đã nhận được nguồn vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài như Dat Bike, Selly, Hekate…

Tuy nhiên, bà Thục cũng chỉ ra vấn đề, đó là con số dự án khởi nghiệp được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Điều này đặt ra nhiều trăn trở cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng về việc đưa các startup đến với thị trường quốc tế. Do đó, rất cần một sự đánh giá lại tiềm năng cũng như các cơ hội của hệ sinh thái KNĐMST Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo tiền đề đưa hệ sinh thái này phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn Ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đề xuất Đà Nẵng tăng cường đầu tư phát triển hệ sinh thái KNĐMST tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ KNĐMST; tăng cường năng lực, kinh nghiệm của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt là phát triển cộng đồng KNĐMST, tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức các sự kiện, hoạt động kết nối, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

Ông Hồ Việt Hải, Chủ tịch Liên minh phát triển bền vững Sustainations, đồng sáng lập Alternō and Triip cho biết, nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và đây là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp toàn cầu khai thác năng lực từ nguồn nhân tài của Việt Nam cũng như phát triển, mở rộng hoạt động thị trường kỹ thuật số trong nước. Do đó, bản thân người khởi nghiệp cũng như các startup cần trang bị nhiều mặt về kỹ năng, sức khỏe, tinh thần… để hòa nhập với xu thế toàn cầu.

a664.jpg
Một dự án khởi nghiệp sáng tạo của Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm tại hội thảo.

Ở góc độ quốc tế, ông Eliot Dongwon Shin, Giám đốc Impact Pathway, chuyên gia Swiss EP chia sẻ về nguồn lực và tư duy của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ các startup Việt Nam. Ông Shin nhận định, hầu hết các công ty thất bại trên thị trường không phải vì điều kiện công nghệ hay thiếu tài nguyên, mà vì chưa có sự am hiểu về người dùng và văn hóa ở địa phương nơi đặt thị trường.

Ông Eliot Dongwon Shin đề xuất chiến lược hợp tác giữa các công ty Việt Nam với phía Hàn Quốc trên cơ sở tổng hợp và kết hợp những thế mạnh của hai bên. Ngoài ra, các startup có thể xây dựng một tập thể mà người đại diện đứng đầu hoặc các thành viên là người địa phương; hoạt động của tập thể cũng mang tính địa phương, tạo thuận lợi khi tiến vào thị trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Chưa nhiều dự án khởi nghiệp được tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.