(HNM) - Trung tâm Chống ngập (TTCN) TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND thành phố mua 63 xe bơm chống ngập với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Ngay lập tức, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp trên phi thực tế, không những không phát huy hiệu quả mà còn gây lãng phí.
Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, mua bơm không thể giải quyết tình trạng ngập lụt và gây lãng phí. |
Chỉ phát huy tại một số điểm ngập
Theo đề xuất của TTCN TP Hồ Chí Minh về việc triển khai dự án chống ngập bằng xe bơm hút nước di động, sẽ trang bị 63 xe chống ngập di động, một bãi đậu xe và một nhà điều hành. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Các xe này chia làm 3 loại công suất gồm 20m3/phút (28 xe); 30m3/phút (23 xe) và 60m3/phút (12 xe). Trước mắt, xe sẽ dùng cho 30 tuyến đường ngập nặng trên địa bàn 9 quận của TP Hồ Chí Minh như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Quận 1, Quận 5, Quận 6 và Quận 12. Tổng diện tích chống ngập là hơn 336ha.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng: "Khi quyết định đầu tư không dựa theo căn cứ khoa học thì không những hết ngập mà lại còn ngập thêm... Phải dựa trên thực tiễn, trên căn cứ khoa học để đưa ra các quyết định. Kỹ trị là phải căn cứ trên khoa học chứ không phải là chỉ bằng ý chí chính trị". |
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc TTCN TP Hồ Chí Minh, hiện quy hoạch chống ngập dựa vào tính toán lượng mưa từ năm 2001, trong khi lượng mưa và mức triều đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, tháng 9-2015, thành phố xảy ra trận mưa kéo dài hơn 1 giờ nhưng lượng mưa đạt hơn 125mm (theo quy hoạch, mưa trong vòng 3 giờ chỉ hơn 95mm); còn mức triều cũng đạt kỷ lục khi cao 1,68m (quy hoạch chỉ 1,32m). Mặt khác, nhiều hệ thống cống thoát nước của thành phố được xây dựng từ lâu, hiện xuống cấp và quá tải. Thế nên, ngoài đề xuất xây hồ điều tiết thì TTCN đưa ra phương án sử dụng xe bơm hút nước nhằm hỗ trợ công tác chống ngập thời gian tới.
Tuy là đơn vị đề xuất nhưng chính ông Dũng cũng băn khoăn về hiệu quả khi thừa nhận, việc vận hành các xe bơm hút nước chỉ giải quyết tình hình ở một số khu vực và tuyến đường ngập. Cụ thể, xe hoạt động được ở những khu vực ngập có hệ thống cống thoát nước, đê bao, cống kiểm soát triều... nhằm đưa nước từ vùng ngập ra các công trình này. Còn đối với những khu vực không có các điều kiện trên thì xe sẽ không dùng được như kênh, rạch chưa cải tạo, trũng thấp, chưa lắp cống kiểm soát triều, khu vực không có kè, đê bao hay sông, kênh, rạch...
Phi thực tế
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là giải pháp phi thực tế. Việc hút nước ở nơi ngập đến hệ thống cống thoát nước hay kênh, rạch không khả thi, bởi chính những công trình này đang quá tải. Nếu dùng xe bơm nước ra sông, rạch thì nước lại tràn ra đường phố và ngược lại bởi nước chảy vào chỗ trũng. "Chúng ta có quá nhiều bài học về việc đầu tư dự án cả hàng nghìn tỷ đồng rồi đắp chiếu, vậy nên hãy suy xét kỹ trước khi đề xuất. Chính quyền thành phố cũng cần tổ chức phản biện với sự tham gia của người dân, nhà khoa học, chuyên gia, các cấp ngành liên quan", PGS.TS Phạm Xuân Mai cho biết.
Chưa hết, một năm TP Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 60 ngày mưa lớn gây ngập, thời gian còn lại chắc chắn số xe bơm này "vô tác dụng", chưa kể có nhiều khoản "ăn theo" như bảo trì, bảo dưỡng, trả lương tài xế và các khoản phụ cấp khác.
Phân tích của PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên thành phố, khẳng định, công tác chống ngập ở TP Hồ Chí Minh cần các giải pháp tổng thể chứ không thể đưa các xe bơm hút nước là xong. Đây là đề xuất hết sức vô lý, không những không giải quyết được vấn đề mà còn lãng phí ngân sách nhà nước.
Hiện thành phố đang thực hiện dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tổng chiều dài 32km. Khi hoàn thành sẽ giải quyết việc tiêu thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan cho hàng triệu người dân trên địa bàn quận Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Quận 12…; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, thực hiện trên diện tích khoảng 1.600ha, thuộc quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh. Ở giai đoạn 1 và 2, đi qua các quận 1, 3, 4, 5…, với diện tích 3.440ha hoàn thành, dự án đã phát huy hiệu quả về cải thiện môi trường, giảm ngập và nâng cao chất lượng sống người dân. Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tập trung chống ngập cho vùng lõi, với khoảng 550km2.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.