(HNMO) - Da điện tử (e-skin) sẽ có thể không chỉ phát hiện các vấn đề sức khỏe trong tương lai gần, mà còn có thể hiển thị cảnh báo ra bên ngoài.
Những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tạo ra loại da diện tử mới, không chỉ có khả năng đo các dấu hiệu sinh học như nhịp tim, mà còn có thể hiển thị chúng theo thời gian thực ngay trên bề mặt.
Về kĩ thuật, thiết kế của da điện tử bao gồm việc tích hợp điện cực nanomesh siêu nhỏ, dây dẫn đàn hồi và hệ thống vi LED có thể thể hiện hình ảnh cơ bản trên bề mặt cơ thể. Nhờ vậy, chỉ cần nhìn vào tay hay bất cứ vị trí nào có tích hợp LED, bản thân người dùng cũng như những người xung quanh có thể ngay lập tức biết được tình trạng sức khỏe để trợ giúp kịp thời. Các cảm biến trong hệ thống này cũng có khả năng kết nối với điện thoại thông minh và truyền thông tin lên cơ sở dữ liệu điện toán đám mây.
Dĩ nhiên, ý tưởng về màn hình co giãn không phải thứ gì mới mẻ, nhưng loại thiết bị này thường hư hỏng rất nhanh khi tiếp xúc với không khí, hoặc liên tục bị thay đổi kích thước, vặn xoắn do đặc thù của da người. Do vậy, việc tích hợp vi LED sẽ giải quyết bài toán này. Trong khi đó, các cảm biến đi kèm hệ thống mới sẽ vẫn sử dụng thiết kế bo mạch theo kiểu truyền thống để tiết kiệm chi phí, và có thể vận hành vài tuần không cần nguồn ngoài.
Hiện tại, da điện tử đã trải qua giai đoạn thí nghiệm lý thuyết, và dự kiến có thể tung ra thị trường trong vòng 3 năm tới, sau khi trải qua những công đoạn hoàn thiện để đảm bảo tính tin cậy, quy mô sản xuất cũng như nâng cao khả năng thu phát sóng trên những bề mặt lớn. Nếu mọi khâu này đều diễn ra thuận lợi, đây sẽ là một trong những đột phá lớn trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới, bởi lẽ nó sẽ loại bỏ hết mọi thiết bị giám sát sức khỏe cồng kềnh hiện nay, trong khi lại đem tới khả năng cho phép nhiều người đồng thời theo dõi thể trạng người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.