(HNM) - Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có nhiều đổi mới cho phù hợp, trong đó tập trung quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, ưu tiên triển khai đối với các thị trường sớm khôi phục sau dịch Covid-19; đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại… Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhằm làm rõ hơn công tác xúc tiến thương mại trong năm 2021.
- Dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện đã khiến hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2020 phải chuyển hướng ra sao, thưa ông?
- Dịch Covid-19 buộc các nền kinh tế lớn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ... phải thực hiện các biện pháp mạnh nhằm hạn chế sự lây lan, khiến hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường quốc tế không thể diễn ra như kế hoạch. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.
- Ông có thể cho biết cụ thể việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai như thế nào?
- Năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức hơn 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức thành công Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp tổ chức, hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương, như: Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái... tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ, như: Vải, nhãn, xoài, rau củ quả... Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức xúc tiến thương mại mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất, nhập khẩu của cả nước trong năm 2020.
- Xin ông cho biết, những đổi mới này đã đem đến kết quả thiết thực ra sao với các doanh nghiệp?
- Rõ nhất là các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả ngay tại “nhà”. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, cùng các thị trường tiềm năng ở châu Phi, Australia... Nhờ đó, nhiều ngành hàng như: Dệt may, da giày, điện tử, vật tư y tế, bao bì... vẫn duy trì hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có nhiều hình thức xúc tiến hiện đại; quy mô hoạt động xúc tiến còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành… Nếu khắc phục những hạn chế nêu trên, hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.
- Năm 2021, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có những đổi mới gì, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
- Từ những kết quả đáng khích lệ của công tác xúc tiến thương mại năm 2020 đồng thời gắn với tình hình thực tế năm 2021, chúng tôi sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, trước mắt ưu tiên triển khai các đề án xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động với những thị trường sớm khôi phục sau dịch Covid-19.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, thị trường có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ… Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu để ưu tiên tập trung nguồn lực. Theo đó, sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình xúc tiến thương mại theo chuỗi, có tính dài hạn. Mặt khác, sẽ tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ở từng thị trường đối với từng ngành hàng theo giai đoạn nhất định.
Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, sẽ tập trung quảng bá mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm theo chu kỳ 3 năm liên tiếp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.