(HNM) - Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa và để người dân ngoại thành có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ… đồng thời thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", năm 2010, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục tổ chức những phiên chợ về 19 huyện, thị trên địa bàn, tập trung vào các ngày lễ lớn như 30-4, 1-5, Quốc khánh 2-9, đặc biệt là dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10-10).
Từ cuối năm 2009, Sở Công thương đã tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về các huyện ngoại thành, với nhiều DN lớn tham gia, như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị Big C Thăng Long, Fivimart; Dệt 10-10… Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của bà con ngoại thành, mỗi chuyến hàng về nông thôn các DN đều đưa 150-200 mặt hàng khác nhau do các DN trong nước sản xuất. Không chỉ đa dạng mẫu mã, các DN đều có chương trình khuyến mại giảm giá 5-10% (tùy mặt hàng). Việc các DN đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về tiêu thụ tại các huyện, thị ngoại thành đã được người dân hưởng ứng, nên doanh thu trung bình mỗi chuyến đạt hàng trăm triệu đồng.
Người dân sẽ được hưởng lợi từ việc đưa hàng Việt về nông thôn. |
Theo Sở Công thương, phiên chợ đầu tiên của năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 30-4 và 1-5. Phiên thứ 2, sẽ tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12-2010 nhằm phục vụ Quốc khánh (2-9), Đại lễ 1000 năm Thăng Long (10-10) và Tết Dương lịch. Ở mỗi huyện sẽ có 2 phiên chợ/năm và được tổ chức khoảng 10-15 gian hàng tiêu chuẩn (thời gian bán 5 ngày). Sở Công thương đã giao cho Hapro và một số ngành chức năng khảo sát địa điểm để tổ chức. Các phiên chợ năm nay sẽ tập trung giới thiệu các sản phẩm, ngành hàng do các DN trong nước sản xuất, như lương thực, thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép, dụng cụ nhà bếp, chất tẩy rửa các loại, hàng gia vị, đồ dùng học tập...
Điểm mới của chương trình bán hàng năm nay là các huyện trên địa bàn được tổ chức các phiên chợ sẽ tham dự bằng việc giới thiệu những mặt hàng có thế mạnh của địa phương, như nguyên vật liệu phục vụ sản xuất làng nghề và sản phẩm làng nghề; các cây, con giống, cây cảnh, sinh vật cảnh và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ban tổ chức đang nghiên cứu đưa thêm các mặt hàng đồ điện, điện tử do DN trong nước sản xuất tham gia hội chợ để làm phong phú các mặt hàng và đón đầu thị trường mùa hè. Để chuẩn bị cho chương trình năm nay, thành phố sẽ hỗ trợ cho DN khoảng 1,1 tỷ đồng. DN tham gia được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/phiên để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và bảo đảm an ninh trật tự. Sở Công thương cũng yêu cầu các DN cần thống nhất giá bán của các mặt hàng, tránh để xảy ra tình trạng cùng một mặt hàng, nhưng ở mỗi địa phương lại có mức giá bán khác nhau. Được biết, trong đợt đưa hàng về nông thôn lần này, riêng Tổng Công ty Hapro sẽ tổ chức 38 phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại 19 huyện, thị xã. Mỗi phiên chợ, tùy vào sức mua của từng địa phương, Tổng công ty sẽ bán 1.000-2.000 mã hàng khác nhau, với lượng hàng hóa trị giá hơn 1 tỷ đồng. DN cũng cam kết sẽ bán hàng với mức giá thấp hơn 3-5% so với giá bán tại hệ thống phân phối Hapro Mart trong nội thành.
Rút kinh nghiệm trong những đợt đưa hàng về nông thôn trước đây, các địa phương kiến nghị các DN nên chọn những địa điểm không chỉ thuận tiện về giao thông, mà phải có đủ chỗ trông giữ xe cho người dân khi đến chợ. Đặc biệt, người dân ngoại thành chưa có thói quen sử dụng thực phẩm chế biến, trong khi nhu cầu mua sắm hàng may mặc, điện - điện tử là rất lớn, vì vậy trong cơ cấu hàng hóa đưa về tiêu thụ tại nông thôn các DN cần điều chỉnh cho phù hợp. Các DN cũng cần chú trọng hơn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các DN nhỏ của địa phương, từ đó tạo ra nguồn hàng ổn định khi tổ chức các phiên chợ Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.