Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng các tầng lớp xã hội của Thăng Long- Kẻ Chợ

LANHUONG| 25/10/2004 16:28

Là một kinh đô quốc gia, Thăng Long là nơi cư ngụ của rất nhiều tầng lớp xã hội đã làm lên màu sắc xã hội rất phong phú nhưng trước hết phải kể đến tầng lớp vua chúa quan lại kinh thành.

Là một kinh đô quốc gia, Thăng Long là nơi cư ngụ của rất nhiều tầng lớp xã hội đã làm lên màu sắc xã hội rất phong phú nhưng trước hết phải kể đến tầng lớp vua chúa quan lại kinh thành.

Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” đã thống kê rằng số quan lại dưới triều Hồng Đức (Lê thánh Tông) là 5.398 người, đến thời Lê Trung Hưng giảm đi chỉ còn khoảng 500 người. Trên thực tế, con số này chưa kể đến những người làm trong cung vua phủ chúa như thuộc lại, quân hầu, vệ sĩ, gia nhân, thị tì. Một người nước ngoài đến Thăng Long nhận xét là “số lính gác, võ sĩ, gia nhân, người phục vụ ,sai nha... tất cả đều làm người ta ngạc nhiên vì vượt quá sức tưởng tuợng.”. Lê Hữu Trác cũng miêu tả sự đông đúc của lớp người này là “Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa vào cung ra vào phải có phù hiệu”.

Thực ra số lượng quan lại cấp địa phương ở Thăng Long không nhiều, nhưng lại có liên quan trực tiếp đến các mặt sinh họat của nhân dân. Đứng đầu kinh thành Thăng Long đời Lê là chức vụ Đề lĩnh và Phủ doãn. Phủ doãn là chức quan trông coi Thăng Long –Kẻ Chợ về các mặt chính trị, kinh tế và pháp luật dân sự. Còn Đề lĩnh là chức quan đứng đầu kinh thành về các mặt quân sự,bảo vệ trật tự trị an và trông nom tu sửa các công trình công cộng như cầu cống, mương máng....

Duới phủ doãn và đề lĩnh là các chức huyện quan, nhiệm vụ và quyền hạn tương đối nhỏ, ít được nhắc đến trong sử sách.

Một số quan lại biến chất, giở thủ đoạn ức hiếp, bóc lột dân tình như Đặng Mậu Lân em trai Đặng Thị Huệ “thường ngày vẫn đem theo vài chục tên tay sai cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp, hoặc thường xuyên sai gia nhân, thị vệ đi ra phố phường chợ búa tìm kiếmcác của ngon vật lạ , để chiếm hoặc mua rẻ của nhân dân”.Triều đình đã nhiều lần ra sắc lệnh ngăn cấm cho bắt giam kẻ cậy quyền uy hiếp, thậm chí xử tội đồ, nhưng vẫn không ngăn được thói tệ. Thậm chí một số quan lại còn lợi dụng chức quyền lén lút buôn bán, hoặc thông qua các bà vợ để buôn bán kiếm lời. Một giáo sĩ đã miêu tả hành vi này như sau: “Các quan rât dễ dàng trở thành con buôn khi có thể vớ được món lợinào. Các quan mua những gì lớn lao và đắt tiền, những thứ gì giá trị ít hơn, các quan đã có những phụ nữ thân tín, rât thạo nghề buôn, họ nhận một hay hai lô hàng để lấy một số lãi”.

Một bộ phận bảo vệ kinh thành và vua chúa quan lại là quân sĩ. Theo ước tính, có khoảng 10 vạn binh sĩ ở kinh thành Thăng long. trừ một số võ quan cao cấp , còn tuyệt đại đa số quân lính đều xuất thân từ khối bình dân, sinh họat như bình dân. Phần lớn họ là dân đinh các thôn phuờng bị bắt lính theo chế độ binh dịch, hoặc vì nghèo túng mà phải thuê mượn đội tên đi thay cho những người khác, có dịp là họ tìm cách lẩn trốn.

* Giới nho sĩ

Giới nho sĩ bao gồm những quan lại đã đỗ đạt (vì họ đã được giáo dục trong cửa Khổng sân Trình và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo). Ngoài ra còn một phần lớn các học trò - nho sinh từ các địa phương trong nước đến theo học, trọ học chờ ngày ứng thí.

Trong một thời gian dài, các nho sinh Thăng Longđã tụ tập chung quanh khu Quốc tử giám - một truờng đại học cấp cao do Nhà nứơc đứng ra tổ chức. Ở đây thường xuyên có khoảng chừng 300 giám sinh nội trú, sinh hoạt và học tập. Phần lớn họ đều là con em qúy tộc và quan lại, được chia thành ba loại cao thấp khác nhau, hàng qúy được nhận tiền học bổng và học phẩm của triều đình. Riêng Quốc tử Giám được nhà nước ban cho học điền (năm 1723 lên đến 60 mẫu).Ngoài ra cứ đến rằm, mồng một hàng tháng thì mở đại hội cho học trò đến học.

Thời Lê Trung Hưng, thi hội và thi đình được tổ chức đều đặn, địa điểm thường được tổ chức ở các chỗ khác nhau như điện Giảng võ, lầu Ngũ Long... Các vị tân khoa được yết tên lên bảng vàng treo ở của Đông Hoa, đình Quảng Văn hoặc nhà Thái Học, tên các hạng tiến sĩ được khắc vào bia đá Quốc tử Giám.

Do số nho sĩ lên kinh đô đông, Quốc tử giám không thể thu nạp hết nên phải nhờ đến các trường tư thục khác. Nhiều trường tư thục được các vị khoa bảng đã từ quan hoặc ẩn nho đứng ra giảng dạy. Nổi tiếng nhất ở thế kỷ 17 là trường tư thục của thám hoa Vũ Thạnh, mở trường dạy học ở Hào Nam “liền ngay với hồ Bảy mẫu. Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò thường mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng dạy”.

Trong bậc thang đẳng cấp của khối cư dân thăng Long, nho sĩ là một tầng lớp xã hội đông đảo theo chiều dọc trải rộng ra suốt từ cái gốc bình dân vươn lên đỉnh ngọn quan liêu quý tộc. Có thể miêu tả trong một bức tranh sau: Đông đảo nho sinh từ các làng quê thuộc các trấn, tỉnh xa xôi, được cha mẹ hoặc vợ cấp lương tiền cho lên Thăng Long ănhọc, ở trọ trong “quán anh đồ” cạnh Giám, dè sẻn từng đồng mua sách bút ở phố Hàng Gai. Thoắt một cái, họ trở thành ông nghè ông thám, được ghi tên lên bảng vàng ở cửa Đông Hoa và khắc tên lên bia đá tại Quốc tử giám. Rồi tiến qua cửa Đoan môn, quỳ trước thềm điện Kính Thiên để nhà vua ban mũ áo cân đai và cho ăn yến. Khi bước ra, họ được các nhà buôn giàu có ở phố Hàng Bạc Hàng Đào tranh nhau gả con gái và rồi võng lọng nghênh ngang về quê - trở thành một bộ phận của tầng lớp quan lại triều đình.

Tuy nhiên, khi khoa thi mở nhiều, học sinh thi đỗ được hậu đãi, quan lại tuyển dụng nhiều, nên xảy ra tình trạng nguời ta xô nhau đi thi, xô nhau tìm cách ra làm quan. Sử cũ ghi rằng: “Người làm ruộng, người buôn bán, người đồ tể đều hớn hở nộp quyển đi thi. Ngày vào trường thi, học trò giày xéo lẫn lên nhau đến nỗi có người chết. Trong trường thi, kẻ thì mang sách, kẻ mướn người làm gà, hành động thả cửa, quan trường cùng người gian trá làm như họp chợ”. Có đến mấy lần triều đình phải mở khoa thi lại để lọc bớt những “nho sĩ” gian trá kia đi.

* Tầng lớp nông dân, thợ thủ công - thương nhân

Nông dân ở Thăng Long phần lớn tập trung ở các làng ven đô, bên cạnh những nông dân chuyên canh vừon cây rau quả. Một số nông dân cày ruộng ở chen sâu vào các vùng nội thịphía Tây và phía Nam, quanh các vùng đầm ao. Họ cũng vẫn phải đóng tô thuế, nhưng được giảm nhẹ khoảng chừng một nửa so với các nơi khác, với lý do là “cá phường, các trại trong kinh kỳ là nơi dân chúng ở gần kề ngay dưới kiệu, bên xe củavua”.

Tuy nhiên, bộ phận đông đảo làm nên bộ mặt của Thăng Long - Kẻ Chợ không phải là nông dân mà là thợ thủ công, thương nhân. Gần như không thể phân biệt rạch ròi giữa thợ thủ công và thương nhân vì thời kỳ đó đại đa số họ đều kiêm nhiệm, hoặc gần như kiêm nhiệm cả hai khâu sản xuất và lưu thông trao đổi.

Các đợt di cư của thợ thủ công từ các làng chuyên nghiệp của các trấn lân cận về hành nghề ở Kẻ Chợ đã làm tăng một số lượng đáng kể ngưòi lao động thủ công ở Thăng Long - Kẻ Chợ. Marini nhận xét là: “Phố phường đầy ắp những thợ thủ công và thương nhân. Chúng ta có thể gặp thấy ở đây những người thuộc rất nhều nghề, tỷ như thợ đóng móng ngựa, thợ làm nhà, thợ cưa xẻ, thợ mộc, thợ tiện, thợ tráng men, thợ làm đồ gốm, thợ sơn, thợ đổi bạc, thợ làm giấy, thợ đúc chuông và những loại thợ thủ công khác...”

Ngoài quan hệ buôn bán trao đổi, những người thợ thủ công chung phường thường cùng nhau góp tiền xây dựng những đình miếu thờ thành hoàng làng cũ, thờ ông tổ nghề (tiên sư). Những dịp giỗ tết, họ vẫn về quê gốc thăm hỏi hoặc góp tiền công ích xây dựng làng xã.

* Các tầng lớp khác

Tăng ni đạo sĩ thời kỳ này không được chính quyền ưu đãi và che chở. Tuy nhiên ở một nơi như Thăng Long - có đến 300 đền chùa miếu mạo và nhiều hội hè tế lễ thì số tăng ni sư sãi vẫn còn khá lớn, nhất là ở những ngôi chùa lớn lúc đó như Quán Sứ, Ngọc Hồ, Chùa Tàu (Phổ Giác), Liên Trì (Báo Ân). Các đạo sĩ thì thường lưu tới các đền quán, đặc biệt là quán Trán Vũ (đền Quan Thánh) và đền Bích Câu.

Một bộ phận nữa là con hát hay những nguời làm nghề múa hát. Từ thế kỷ 15 trở đi có nhiều ngưòi Thanh hóa làm nghềca hát di cư tới Thăng long để kiếm sống, thường đi diễn trò để phục vụ các đình đám hội hè. Những ngưòi này không được nhà nước tôn trọng, thậm chí bị miệt thị và bị đối xử bất công như một quy định của nhà Lê không cho phép con cháu con hát được đi thi.

Ngoài ra Thăng Long còn một bộ phận nhỏ là những kẻ hạ đẳng, tức là phường trộm cắp, cướp giật và một số ít gái mãi dâm... Tuy chỉ là số ít nhưng những kẻ này đã có một ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm lý và bộ mặt thành thị.

Thời này, kinh tế trao đổi phát triển nên có nhiều lái buôn gốc nước ngoài có mặt tại ĐạiViệt, mà người Hoa là bộ phận quan trọng trong số đó. Hoa Kiều đã có mặtvà sinh sống ở Thăng Long khá sớm, chậm nhât là vào thời Lê sơ. Thế kỷ15, Nguyễn Trãi đã nhắc đến một phường là phường Đồng Nhân( tức phố hàng Ngang ngày nay) là nơi sinh sống và buôn bán của người Hoa. Sau năm 1687 - năm chúa Trịnh ra lệnh cấm người nước ngoài, trong đó chủ yếu là khách thương Hoa kiều được trú ngụ tại kinh thành, thì phần lớn người Hoa đã bị dồn về Phố Hiến.

Theo Hanea

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng các tầng lớp xã hội của Thăng Long- Kẻ Chợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.