Có 26.324 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, gần 93.000 doanh nghiệp bỏ trốn hoặc mất tích (HNM) - Những con số được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-6 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Ngành công nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất, chỉ số sản xuất tăng rất thấp. Ảnh: Huy Hùng
70% DN lỗ trong sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra mới đây cho thấy, trong 6 tháng qua, số DN ngừng hoạt động, giải thể là 26.324 đơn vị, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên phần nhiều là do những yếu kém nội tại của từng DN, bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê có tới 70% đơn vị trong tổng số hơn 9.000 DN trả lời mẫu điều tra chuyên sâu cho biết là bị lỗ trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là yếu tố nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến sự giải thể hoặc phá sản của một số DN khác trong tương lai gần. Khoảng 28% số DN kêu thiếu vốn để duy trì hoạt động, gần 15% số DN xác nhận đang đối phó với số hàng tồn kho không tiêu thụ được, mặc dù đã cố gắng và áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng doanh số bán hàng để thoát hiểm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh, yếu tố gây cản trở lớn nhất đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN chính là tình trạng lãi suất vay còn cao, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, gây áp lực đối với hầu hết DN trong suốt thời gian qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ phá sản cao nhất thuộc về khu vực DN ngoài nhà nước với mức 9,1%, DN nhà nước là 2,7% và DN có vốn đầu tư nước ngoài là 2,4%.
Đặc biệt, trong số 541.103 DN đang tồn tại về mặt pháp lý có tới gần 93.000 DN thuộc diện không xác minh được, trong số này có tới trên 60.000 DN được xác định là bỏ trốn hoặc mất tích. Với số DN không rõ hiện trạng như đã nêu, ở hai đầu cầu kinh tế lớn nhất toàn quốc là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thứ tự chiếm 19,7% và 26,8% tổng số…
Xuất hiện những dấu hiệu hồi phục
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua tăng 4,5% so với cùng kỳ và đó là mức tăng rất nhỏ nhoi, khi so với mức tăng tương ứng là 9,7% của cùng kỳ năm 2011. Hàng loạt ngành công nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với mức 17,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, sản xuất công nghiệp trong quý II đã có bước chuyển theo hướng tích cực, tăng dần qua các tháng, với mức tăng trong tháng 4 là 7,5%, tháng 5 là 6,8% và tháng 6 là 8% lần lượt so với các tháng tương ứng của năm trước. Thực tế này cho thấy dấu hiệu hồi phục trong sản xuất công nghiệp. Một số ngành có mức tăng khá gồm: Đóng và sửa chữa tàu biển; sản xuất sản phẩm bơ, sữa; hóa dược; thức ăn gia súc; sản xuất điện. Theo đại diện Vụ Thống kê công nghiệp, dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ phía Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Số lượng DN mới đăng ký thành lập trong 6 tháng là 36.195 đơn vị, với tổng vốn đăng ký 232.577 tỷ đồng, giảm 12,5% về số DN và giảm 3,5% về vốn so với cùng kỳ. Đây là kết quả thể hiện chiều hướng đáng khích lệ vì kết quả thu hút vốn trong 4 tháng đầu năm giảm 14% và 5 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ.
Về các yếu tố liên quan đến môi trường và điều kiện kinh doanh, Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian tới cần ổn định các vấn đề lãi suất cho vay, nhất là đối với DN vừa và nhỏ; giảm chi phí đầu vào; kiềm chế lạm phát; cải thiện môi trường pháp lý; xử lý hiệu quả các tranh chấp kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng.
Nền kinh tế đang gặp sóng gió, tuy nhiên cũng đã được bù đắp bằng kết quả xuất khẩu - điểm sáng hiếm hoi trong quá trình vận hành 6 tháng qua. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có mức xuất khẩu tăng cao như điện thoại và linh kiện; hàng điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; dầu thô…
Giá trị nhập siêu 6 tháng qua ở mức 685 triệu USD, bằng 1,3% của kim ngạch xuất khẩu nên được đánh giá là rất thấp. Thực tế cho thấy, chính kết quả đáng ghi nhận của hoạt động xuất khẩu cũng như sự giảm thiểu trong nhập khẩu đã góp phần quan trọng vào việc tiến tới cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tạo nguồn ngoại tệ sẵn sàng cho phục vụ những nhu cầu khác của đất nước.
Đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 lần đầu tiên giảm sau 38 tháng, Tổng Cục trưởng Đỗ Thức cho rằng không nên lo ngại về khả năng giảm phát trong thời gian tới. Cụ thể hơn, theo Vụ Thống kê giá, việc CPI tháng 6 giảm là một tín hiệu tốt sau một thời gian tăng cao. Trước mắt, những yếu tố khiến lạm phát giảm đang chiếm ưu thế hơn so với những yếu tố làm tăng lạm phát (về tổng cầu, tỷ giá, giá xăng dầu…), song dự báo CPI có thể tăng nhẹ trở lại vào những tháng cuối năm.
Các chuyên gia nhận định, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng cũng như kết quả xuất khẩu vẫn sẽ được duy trì ổn định trong nửa cuối năm nay và chắc chắn sẽ là điểm tựa đối với nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.