Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã có 607.800 người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở

Dạ Khánh| 26/07/2022 11:41

(HNMO) - Bộ Xây dựng cho biết, hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện liên tục từ trước đến nay.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng. Theo đó, các hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở dưới nhiều hình thức như: Được miễn giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, khi Nhà nước giao đất làm nhà ở; được tặng nhà tình nghĩa; hỗ trợ khi xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; hỗ trợ kinh phí.

Hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.

Đến nay, đã có khoảng 607.800 hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Trong đó, có khoảng 259.000 người có công được hỗ trợ khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hỗ trợ khi được giao đất làm nhà ở; hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; hỗ trợ bằng nhà tình nghĩa với tổng số kinh phí khoảng gần 3.600 tỷ đồng (theo Quyết định số 118/TTg ngày 27-2-1996 về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở); khoảng 8.800 người có công được hỗ trợ miễn giảm khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; miễn giảm khi được giao đất; hỗ trợ kinh phí 25 triệu đồng/người với tổng số kinh phí khoảng 200 tỷ đồng (theo Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25-7-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 3-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở); khoảng 340.000 hộ người có công được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ để xây dựng mới nhà ở hoặc 20 triệu đồng/hộ để sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 8.873 tỷ đồng (theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng). Ngoài ra, còn có kinh phí ngân sách địa phương đối ứng theo quy định, kinh phí của hộ gia đình người có công và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác (tổ chức, cá nhân, quỹ, hội...) để hỗ trợ thêm.

Sau khi hoàn thành hỗ trợ, nhà ở của các hộ gia đình người có công đều cơ bản bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn 3 cứng "nền cứng, khung tường cứng, mái cứng", chất lượng và diện tích theo quy định: Có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, sử dụng các vật liệu xây dựng tốt - bền (như gạch, đá, xi măng, sắt thép, gỗ bền chắc, ngói, tôn...) bảo đảm nhà ở có tuổi thọ trên 10 năm; bảo đảm vệ sinh môi trường, khang trang, kín đáo, tránh được tác động xấu của thời tiết. Đời sống của người có công với cách mạng đã được ổn định, nâng cao chất lượng sống hơn trước.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, hiện số liệu các hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên cả nước vẫn phát sinh hằng năm. Do vậy, các địa phương cũng như nhiều cử tri kiến nghị Nhà nước tiếp tục ban hành chính sách mới để thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho các hộ người có công với cách mạng trong thời gian tới. Trước mức trượt giá (tính từ thời điểm các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho người có công được triển khai), cũng như đề xuất của các địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất mức hỗ trợ mới đối với trường hợp xây mới nhà ở là 60 triệu đồng/hộ (mức hỗ trợ cũ là 40 triệu đồng/hộ) và hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ cũ là 20 triệu đồng/hộ). Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã có 607.800 người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.