Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến sáng 18/10, mưa lũ đã làm 20 người chết, trong đó Nghệ An có 8 người; Hà Tĩnh có 10 người; Quảng Bình có 2 người; một người mất tích ở Quảng Bình đang được xác minh danh tính.
Tổng cộng có hơn 152.200 nhà bị ngập sâu trong nước.
Hiện trên Quốc lộ 1A còn ngập hai vị trí km 439-km 441 thuộc Nghệ An, km 497 thuộc Hà Tĩnh. Quốc lộ 7 bị ngập 1 vị trí tại km 14 thuộc Nghệ An. Quốc lộ 8 bị ngập tại km 2-km 13, hiện nay đã thông tuyến 1 bên đường.
Ngập lụt tại Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN). |
Quốc lộ 15 đoạn Vũng Áng - Đồng Lê bị sạt lở tại Km 66+650, hiện đã thông xe 1 bên đường. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông bị ngập tại 2 điểm. Tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngập tại 14 điểm (Quảng Bình 2 điểm, Hà Tĩnh 12 điểm).
Để chủ động đối phó với mưa lũ, các địa phương khẩn trương triển khai công tác cứu hộ. Hà Tĩnh đã sơ tán 17.000 hộ, huy động 40 xuồng cao tốc và hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ được huy động ứng cứu, cứu trợ, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn; chuyên chở 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước uống đóng chai cứu trợ cho nhân dân vùng Hương Khê, Vụ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên.
Tỉnh cũng đã trích ngân sách 15 tỷ đồng để các huyện mua lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cứu trợ nhân dân vùng lũ.
Tỉnh Quảng Bình đã sơ tán đến nơi an toàn được hơn 10.600 hộ thuộc các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch; huy động 30 xuồng, ca nô, hàng chục xe các loại, 300 cán bộ, chiến sỹ, 200 đoàn viên thanh niên trực tiếp tới vùng ngập để cứu hộ, di dời dân.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương đề nghị tiếp tục theo dõi sát sao tình hình lũ tại các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh và diễn biến bão Megi để chủ động đối phó, tiếp tục thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các bộ, ngành Trung ương.
Các lực lượng, phương tiện tập trung cứu trợ, cứu nạn nhân dân vùng ngập lụt, đặc biệt là các khu vực bị chia cắt, khôi phục giao thông, hệ thống điện, tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là khu vực Bắc và giữa Biển Đông.
Đặc biệt, các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão, công tác cứu hộ, cứu nạn ở địa phương, báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Trong khi đó, đến sáng 18/10, hồ Kẻ Gỗ - hồ chứa nước lớn nhất Hà Tĩnh có mực nước lên đến 31,8m, lượng nước trong hồ khoảng 340 triệu m3.
Từ đêm 16 đến sáng 18/10, Công ty trách nhiệm một thành viên thủy lợi Kẻ Gỗ đã tiến hành xả nước với lưu lượng từ 300 đến 600 m3/s, đồng thời xử lý các hư hỏng trên thân đập.
Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến 8 giờ ngày 18/10, tỉnh Quảng Ngãi có 483 chiếc tàu, thuyền với 4.280 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Hầu hết số tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên các vùng biển đã nhận được thông tin về cơn bão Megi từ các đài trực canh và máy Icom cộng đồng để chủ động phòng, tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai các phương án chuẩn bị đối phó với siêu bão Megi, nhất là việc di dân ra khỏi vùng bị sạt lở nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.