(HNMO) - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực cứu sống bệnh nhi 15 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp, ngưng tim kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
Ngày 3-7, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 24-5-2021, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi Nguyễn Hoàng K, 15 tuổi, đã ốm 2 ngày, nôn nhiều lần, không sốt, không đau bụng. Tối ngày thứ 2, em co gồng toàn thân, trợn mắt, môi tái kéo dài khoảng 1 phút thì tỉnh, than mệt nhiều nên được đưa vào cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, em được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm (45 lần/ phút, block nhĩ thất độ 3), viêm cơ tim, sốc tim. Ê kíp trực cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc và tim mạch hội chẩn quyết định cho thở oxy, dùng thuốc vận mạch tăng nhịp tim và sức co bóp cơ tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời sau khi dùng thuốc không cải thiện.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, em lại đột ngột rối loạn nhịp tim nặng, trụy tim mạch rồi ngưng tim. Ê kíp đã kích hoạt báo động đỏ nội viện để đặt hệ thống ECMO... Dù được hồi sức tích cực nhưng tình trạng ngưng tim liên tục kéo dài hơn 1 giờ và sau đặt ECMO, tình trạng bệnh nhi có cải thiện nhưng tim đập còn rất yếu, rối loạn nhịp liên tục, kèm tổn thương nhiều cơ quan (gan, thận, não).
Sau 11 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, bệnh nhi dần phục hồi. Một điều ngoạn mục trong thời gian điều trị suốt tháng 6 vừa qua với bệnh nhi K là tuy phải cấp cứu ngưng tim hơn 1 giờ, nhưng tri giác của em phục hồi hoàn toàn, tỉnh táo, không để lại di chứng não. Tuy nhiên, do tổn thương cơ tim rất nặng nên bệnh nhi vẫn còn phải lệ thuộc vào máy tạo nhịp. Dự kiến, em sẽ xuất viện và theo dõi tái khám trong vài ngày tới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang, viêm cơ tim tối cấp là bệnh cảnh rất nặng, gây trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim dẫn tới tử vong nhanh chóng. Hiện nay, nhờ áp dụng ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim tối cấp đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã ngưng tim, khả năng cứu sống chỉ còn 20-25%.
“Việc cứu sống thành công bệnh nhi trong hoàn cảnh ngưng tim kéo dài là nhờ sự nỗ lực hết lòng của tập thể khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và nhiều chuyên khoa khác. Thành công này cũng là sự động viên tinh thần cho đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Nhi đồng 1 trong hoàn cảnh cuộc chiến đầy khó khăn, thử thách với dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.