(HNMO)- Ngày 15-9, theo tin từ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây đã điều trị thành công cho bệnh nhân Cao Văn Thêm (24 tuổi ở Sầm Sơn, Thanh Hoá) mắc bệnh whitmore (guýt- mo) dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng với tiên lượng tử vong lên tới trên 90%.
Mẹ của anh Thêm cho biết, cách đây vài tháng, bệnh nhân bị nhiễm trùng, sưng tấy khớp gối phải, sốt cao kéo dài và hạn chế vận động; từng đi châm cứu vùng khớp gối hơn 1 tuần mà không đỡ. Sau khi điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa 10 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm nên ngày 8-9 bệnh nhân được chuyển lên khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Nhung, khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ, khi vào viện, tình trạng của bệnh nhân bị sốt cao liên tục, bị sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy gan, suy thận, suy hô hấp nặng, áp xe gối phải, nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân được xét nghiệm cấy máu đến lần thứ 3 mới phát hiện mắc bệnh whitmore vì bệnh này rất khó xác định. Mặc dù vậy, sau hơn 10 ngày điều trị theo phác đồ đặc hiệu, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy đa phủ tạng nặng. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời phối hợp kháng sinh mạnh liều cao. Dù hy vọng sống của bệnh nhân chỉ còn 1/10 nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, các thầy thuốc của khoa Truyền nhiễm đã quyết tâm cứu chữa cho bệnh nhân bằng mọi giá...
Còn theo gia đình anh Thêm, thực sự lúc đó, gia đình đã không còn hy vọng bởi khi nhập viện bác sĩ nói tình trạng bệnh nặng, 90% có khả năng tử vong. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực bằng cách cho thở máy, kiểm soát các chức năng gan thận, và yếu tố quan trọng là sử dụng kháng sinh sớm, kịp thời, duy trì điều trị kháng sinh kéo dài, đúng loại.
Hiện sau một tháng điều trị, anh Cao Văn Thêm đã hết sốt, hết suy hô hấp, phổi cải thiện tốt, ho khạc tốt. Các bác sĩ cho biết, trong quá trình cứu sống bệnh nhân, công sức của bác sĩ chỉ khoảng 50%. Số còn lại về mặt điều trị là phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và dinh dưỡng. Hàng ngày bệnh nhân được điều chỉnh chế độ ăn, ngoài việc cho bệnh nhân ăn bằng đường xông thì có truyền thêm dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân.
Được biết, từ đầu năm 2016 tới nay, khoa Truyền nhiễm- BV Bạch Mai đã tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp nên BN được nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm... Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Các bác sĩ cho biết, whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây nên và mọi lứa tuổi đều mắc bệnh với tỷ lệ tử vong gần 60%. Người có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất là nông dân, người có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mãn tính về phổi hoặc thận. Bệnh không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do tụ cầu, liên cầu. Không chỉ khó khăn về chẩn đoán bệnh mà cả việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục và duy trì từ 3 đến 6 tháng.
Các bác sĩ cảnh báo, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, khi có biểu hiện sốt liên tục nên nghĩ đến whitmore và cần đi đến bệnh viện để khám, không được chủ quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.