Doanh nghiệp

Cửu Long JOC: 25 năm chinh phục “sư tử” ngoài biển khơi

Hồng Anh 01/10/2023 - 08:13

Sở hữu thành tích sản xuất, kinh doanh cực kỳ ấn tượng, Công ty Liên doanh điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) - thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - hiện là nhà điều hành dầu khí có sản lượng khai thác lớn thứ hai tại Việt Nam.

Sau 25 năm hoạt động, chỉ với bộ máy hơn 300 nhân sự, công ty liên doanh đã từng bước chinh phục "sư tử" ngoài biển khơi, mang về cho ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ USD.

cum-gian-khoan-su-tu-trang-.jpg
Cụm giàn khoan Sư Tử Trắng thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Cánh cửa mở trong thời kỳ đổi mới

Cửu Long JOC là một trong những công ty liên doanh điều hành với nước ngoài đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam, được hình thành trong thời kỳ đổi mới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động dầu khí tại các vùng nước sâu, xa bờ và khu vực có điều kiện địa lý, địa chất, kinh tế, kỹ thuật đặc biệt khó khăn.

Sau 25 năm hình thành, phát triển, Cửu Long JOC đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đứng thứ 2 về sản lượng khai thác của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) với tổng sản lượng khai thác 410 triệu thùng dầu, xấp xỉ 600 tỷ bộ khối khí, tổng doanh thu 29,3 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước 13,1 tỷ USD, trên tổng mức đầu tư 7,7 tỷ USD.

Một trong những điểm nhấn không thể không kể đến của Cửu Long JOC chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước. Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập liên doanh, lãnh đạo phía Việt Nam trong công ty đã ý thức, nỗ lực không ngừng trong việc tổ chức, động viên cán bộ, công nhân viên Việt Nam chủ động học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, từng bước vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Khởi đầu chỉ với 31 cán bộ, nhân viên với 1/3 nhân sự là các chuyên gia nước ngoài, đến nay tổng số cán bộ, nhân viên, kỹ sư, lao động thuộc Cửu Long JOC là trên 350 người; số lượng cán bộ, kỹ sư người Việt chiếm đến hơn 94%. Đặc biệt, toàn bộ đội ngũ vận hành trên các công trình biển của Cửu Long JOC đã đạt tỷ lệ 100% là người Việt Nam.

Hiện Cửu Long JOC sở hữu 9 giàn khai thác dầu khí, trong đó có một giàn công nghệ trung tâm và một tàu chứa, xử lý dầu thô FPSO và hàng loạt các tuyến ống kết nối nội mỏ, với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD. Sản lượng dầu khai thác trung bình hiện nay của toàn Lô 15-1 khoảng 38.000-40.000 thùng dầu/ngày.

"Chìa khóa" quyết định tương lai

Dự kiến đến hết năm 2023, Cửu Long JOC nỗ lực đạt sản lượng 12,54 triệu thùng dầu so với mục tiêu Ủy ban quản lý Lô 15-1 giao cho là 12 triệu thùng dầu. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Lô 15-1 là một trong những lá cờ đầu trong hoạt động khai thác dầu khí ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia.

Các đối tác nước ngoài tại Lô 15-1 cũng khẳng định, Cửu Long JOC là biểu tượng của sự hợp tác thành công trên con đường phát triển chung; đồng thời hy vọng liên doanh sẽ tiếp nối thành công, vững vàng trên chặng đường mới của Dự án Lô 15-1, bảo đảm lợi ích lâu dài giữa các bên.

Do Hợp đồng PSC (hợp đồng chia sản phẩm dầu khí) Lô 15-1 sẽ kết thúc vào tháng 9-2025, dẫn đến những hạn chế trong công tác đầu tư phát triển khai thác. Vì vậy, để đạt được mục tiêu sản lượng của năm 2023, cũng như các năm tiếp theo của Cửu Long JOC hết sức khó khăn. Để hiện thực hóa mục tiêu trung và dài hạn, điều kiện tiên quyết là Cửu Long JOC phải có chiếc “áo mới”: Hợp đồng PSC. Đây sẽ là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, là "chìa khóa" thành công cho tất cả các hoạt động của công ty.

Do đó, với sự hỗ trợ đồng hành của lãnh đạo Petrovietnam và các đối tác, Cửu Long JOC kỳ vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm xem xét, phê duyệt để Cửu Long JOC có thể hiện thực hóa mục tiêu có Hợp đồng PSC mới trong năm 2023; qua đó mở ra những triển vọng, cơ hội mới duy trì, gia tăng sản lượng khai thác, đạt được các mục tiêu đặt ra.

Về kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, Tổng Giám đốc Cửu Long JOC Lê Đắc Hóa cho biết, trước mắt, cần tập trung phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B. Việc phát triển dự án này không chỉ giúp đơn vị nâng cao sản lượng khai thác cả dầu và khí mà còn giải quyết bài toán thiếu hụt khí trong tương lai gần, tạo ra chuỗi giá trị cho khâu sau như khí, điện, đạm và dịch vụ của Petrovietnam.

Với những kết quả đạt được qua 25 năm hoạt động, Lô 15-1 đã có những đóng góp quan trọng vào sản lượng khai thác dầu khí chung của PVEP, Petrovietnam. Bằng hiệu quả của dự án, cùng với Luật Dầu khí 2022 có hiệu lực từ ngày 1-7-2023, hy vọng dự án sẽ sớm có Hợp đồng PSC mới, để tiếp tục phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước cũng như các bên tham gia dự án, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cửu Long JOC: 25 năm chinh phục “sư tử” ngoài biển khơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.