(HNM) - Thật khó tin rằng thị trường chứng khoán từng
Chỉ 3.000 đồng, tức là tương đương với giá của một cốc trà đá vỉa hè, thậm chí không bằng giá một mớ rau là đã có thể mua được cổ phiếu. Hôm nay mua, mai lỗ khiến nhà đầu tư tháo chạy. Các sàn chứng khoán vắng vẻ, đìu hiu. Không có khách hàng, nhân viên môi giới lục đục đi tìm công việc mới. Và theo số liệu của Vụ Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán), hết quý I-2011, có 24 công ty chứng khoán đã báo lỗ 574 tỷ đồng. Thực tế cũng đã bắt đầu có những cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ tín dụng chứng khoán. Nhiều người gọi thực trạng này là "nỗi đau chứng khoán".
Trước tình hình này, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán vừa có kiến nghị cấp bách nhằm cứu thị trường chứng khoán, với một loạt biện pháp như: miễn thuế cho nhà đầu tư trong năm 2011 (thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá trị giao dịch); giảm 50% phí hằng năm cho các công ty chứng khoán; cho phép mua bán chứng khoán cùng phiên, mở nhiều tài khoản…
Vậy thực sự có cần cứu hay không?
Hiện tại, dường như Ủy ban Chứng khoán còn đang muốn chờ thêm diễn biến trên thị trường trước khi đưa ra quyết định. Và cũng may mắn là trong phiên ngày 26-5 thị trường đã bất ngờ quay đầu tăng khá mạnh. Nhưng dù sao cũng có thể khẳng định, đây đúng là thời điểm khó khăn của chứng khoán. Tuy nhiên việc tháo gỡ không đơn giản muốn là được. Thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô nhỏ và thanh khoản kém, tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện chỉ đạt khoảng hơn 30 tỷ USD, chưa bằng 1/3 GDP hằng năm, khối lượng giao dịch hằng ngày khoảng 30 triệu USD. Sự đi xuống của thị trường thời gian qua một phần bởi tác động của chính sách thắt chặt tín dụng vào chứng khoán và bất động sản. Thế nên chúng ta không thể bóp chỗ này lại thả chỗ kia, sẽ tác động xấu đến thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát khi tình hình lạm phát tháng 5 vừa mới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Cứu chứng khoán lúc này, tức là thêm tiền vào. Điều này trái với mục tiêu của kinh tế vĩ mô. Chính vì thế mà cần phải có đánh giá một cách toàn diện, cân nhắc thiệt hơn. Cái nào cần ưu tiên. Nếu cần giải cứu cũng phải với các chính sách đồng bộ, hiệu quả, đúng thời điểm.
Khó khăn hiện nay của chứng khoán, đầu tiên vẫn phải khẳng định là khách quan từ tình hình chung của nền kinh tế, với những biến động khá mạnh về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan cũng có tác động không kém khi sự mất giá của các cổ phiếu giá thấp chủ yếu do tình trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém. Có thể nói, thực tế có nhiều doanh nghiệp quyết lên sàn chỉ với mục tiêu sẽ dễ dàng huy động vốn hơn là tìm nguồn tiền từ ngân hàng. Và khi thực lực sản xuất kinh doanh đì đẹt, vào lúc kinh tế khó khăn, bắt đầu xuất hiện áp lực bán cổ phiếu thu hồi nợ. Điều này cũng đúng cả với các công ty chứng khoán khi đã lạm dụng quá nhiều nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Khó khăn khiến nợ xấu gia tăng, buộc các công ty phải đặt ưu tiên hàng đầu là giải chấp để thu hồi vốn, trong khi thanh khoản thị trường vẫn èo uột. Vậy là họa vô đơn chí, khó khăn chồng khó khăn.
Hiện trạng thị trường chứng khoán âu cũng là hệ quả tất yếu phải chấp nhận. Nó như một lần thanh lọc cơ thể để sạch hơn, mạnh hơn. Và nếu cân nhắc với sự tác động rộng hơn của kinh tế vĩ mô thì rõ ràng ưu tiên chứng khoán lúc này không phải là một ý tưởng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.