(HNM) - Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ hàng loạt vướng mắc về thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm |
Kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ thời gian qua đã chứng minh tác động tích cực đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết về đơn giản hóa TTHC với yêu cầu rà soát và đơn giản hóa tổng cộng 4.751 TTHC. Tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hóa hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hóa được 3.750 TTHC. Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), với kết quả trên, Chính phủ đã giúp tiết kiệm cho DN và cơ quan nhà nước hàng triệu giờ làm việc và hàng chục ngàn tỷ đồng chi phí cho việc tuân thủ các TTHC.
Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với đòi hỏi thực tiễn. DN nhiều nơi vẫn kêu ca về sự phức tạp, rườm rà, gây khó dễ từ các TTHC cũng như cán bộ, công chức nhà nước thực hiện. Cục Kiểm soát TTHC vừa cùng với Bộ Công thương và Hiệp hội Da giày lắng nghe ý kiến của các DN trong ngành này về TTHC. Kết quả cho thấy, nhiều DN vẫn kêu "rát tai" về thủ tục xuất nhập khẩu. Trong khi đó, thủ tục về đất đai ở các địa phương cũng đang gây ách tắc đầu tư. Vì chưa có sự thống nhất trên cả nước nên các địa phương tự đặt ra các quy định, mỗi nơi một kiểu. Đây là nguyên nhân khiến Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo mang tính cụ thể đối với nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC. Ngày 5-3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho 17 bộ, ngành và 6 địa phương thực hiện kế hoạch rà soát TTHC trọng tâm năm 2012, bao gồm 24 nhóm với tổng số 216 TTHC. Trong đó, Bộ Xây dựng và Bộ NN-PTNT phải rà soát số TTHC nhiều nhất là 39, Bộ Công an rà soát 20 TTHC, Bộ Nội vụ rà soát 16 TTHC, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp mỗi nơi phải rà soát 14 TTHC, Bộ GTVT rà soát 11 TTHC, Bộ Công thương rà soát 9 TTHC, TP Hà Nội rà soát 22 TTHC, Hải Phòng rà soát 9 TTHC…
Để nhấn mạnh tính chất cấp bách của việc đơn giản hóa TTHC, ngày 28-5-2012, Văn phòng Chính phủ ra văn bản số 3737/VPCP-KSTT lưu ý lại việc thực hiện Quyết định 263, đồng thời nêu rõ mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ các TTHC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trước ngày 31-8-2012. Mặc dù vậy, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, một số bộ, ngành chưa quán triệt hết ý nghĩa bền vững, lâu dài mang tính chiến lược của việc rà soát và đơn giản hóa các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nên đã đề nghị lùi thời hạn thực hiện Quyết định 263. Một số nơi còn chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện xuống các cơ quan cấp dưới. Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, việc đơn giản hóa TTHC không phải là giải pháp tình thế, càng không chỉ có tính chất nhất thời. Một TTHC được đơn giản hóa sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN từ hôm nay cho đến mãi sau này. Đó là chưa kể, nếu duy trì một quy định hay một TTHC phức tạp sẽ làm nảy sinh nhiều quy định, TTHC đi kèm rườm rà khác. Vì vậy, các bộ, ngành không nên đề nghị lùi thời hạn thực hiện Quyết định 263, mà thay vào đó cần phải chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện việc rà soát. Ông Ngô Hải Phan cũng phân tích, sở dĩ việc các bộ chậm triển khai thực hiện Quyết định 263 của Thủ tướng Chính phủ là vì bộ phận tham mưu về cải cách hành chính (của các bộ, ngành) chưa thật sự tâm huyết, hết lòng hết sức với nhiệm vụ. Ông đặt câu hỏi: "DN kêu ca khó khăn, TTHC phức tạp, gây cản trở, còn chúng ta cứ lùi thời hạn thì trách nhiệm thế nào?".
Như vậy, có thể thấy, vấn đề chính ở đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ, cũng như thể hiện không vô cảm trước những khó khăn của nền kinh tế và các DN. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn giản hóa TTHC chẳng khác gì việc từ bỏ lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, nên sự chần chừ, "câu giờ" là lẽ tất nhiên. Do vậy, để giảm bớt sự chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định 263 của Thủ tướng Chính phủ nhất thiết phải có sự theo dõi, giám sát để kịp thời chấn chỉnh về thái độ trách nhiệm. Nhất là cần tận dụng các kênh thông tin để công khai những nơi làm tốt, những nơi làm chưa tốt để tạo nên phong trào thi đua giữa các bộ, ngành với nhau. Có như thế, những rào cản về TTHC mới được gỡ bỏ, DN được hỗ trợ thực sự, còn nền kinh tế có cơ hội vượt qua khủng hoảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.