Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu công trình kiến trúc cổ bằng cách nào?

Gia Bảo| 19/12/2012 06:35

(HNM) - Trung tâm TP Hồ Chí Minh là khu vực tập trung nhiều công trình kiến trúc cổ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cao ốc đua nhau mọc lên đã làm không gian vùng di sản xưa kia dần bị mai một.


KTS Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP) cho rằng, theo nguyên tắc bảo tồn di tích, các công trình mới càng gần các công trình cổ thì phải xây thấp tầng và quan trọng là phải hài hòa với cảnh quan. Thế nhưng cảnh quan tại các công trình kiến trúc như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TP, bến Bạch Đằng, Bưu điện TP… đã bị phá vỡ bởi những tòa nhà cao tầng, nhôm kính lộng lẫy. Hiện trên địa bàn TP có khoảng 108 công trình cổ cần được bảo tồn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cảnh quan kiến trúc đã hoặc đang bị phá vỡ như khu nhà cổ tại giao lộ đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn (quận 1); cụm biệt thự quận 3 đang dần biến mất. Thậm chí, nhiều công trình nhà, kho, cầu, xưởng có tuổi đời cả trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - rạch Bến Nghé đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong quá trình thi công đại lộ Đông Tây.

Cũng theo một số chuyên gia kiến trúc đô thị, chỉ tính riêng khu vực trung tâm TP có không dưới 100 tòa nhà cao trên 15 tầng, thậm chí cao đến hàng chục tầng. Tình trạng xen cấy nhà cao tầng đã làm phá vỡ mối liên hệ tổng thể về không gian của di sản đô thị. Đặc biệt, tính liên tục và đồng nhất về quy mô chiều cao của cảnh quan đã bị pha trộn, khập khiễng trong kiến trúc tổng thể, làm cho sự phát triển của đô thị bị đứt đoạn. PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP nhận định, chính sự phát triển năng động của mô hình kinh tế thị trường đã làm phá vỡ cảnh quan đô thị.

Bây giờ, muốn bảo vệ di sản kiến trúc đô thị TP, theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn thì cần được khởi đầu bằng việc thống kê lại danh sách và vẽ ghi chi tiết các công trình có giá trị, cũng như xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử để bảo vệ. Quan trọng hơn cả là cần thu nhỏ vùng bảo vệ mới có thể hiện thực hóa và tạo cho công tác bảo vệ tốt hơn, chứ không thể bảo vệ rộng lớn từ Công viên Tao Đàn đến khu Bạch Đằng, Ba Son (quận 1) theo phương án quy hoạch TP vạch ra.

Cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Khởi (Viện nghiên cứu phát triển TP) cho rằng, cần lập bản đồ phân vùng những khu vực cần được bảo tồn như: điểm, tuyến, cụm hay mảng… Đặc biệt, cần phải lập ngay tính đồng bộ giữa bảo tồn và triển khai chỉnh trang phát triển đô thị, trong đó quá trình nghiên cứu bảo tồn cần phải tiến hành trước tiên. Từ đó, mới có thể bảo đảm duy trì được cho khu vực trung tâm TP đặc trưng cấu trúc không gian và hình thức riêng biệt, giúp nó tồn tại và phát triển với tư cách một không gian đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa vững bền.

Còn KTS Dương Hồng Hiến thì kiến nghị: "Điều cần làm là phải xây dựng giá trị văn hóa đích thực của nhiều công trình trước khi chúng hình thành và phải xây dựng không gian để chứa đựng giá trị trên, nghĩa là phải tạo ra "di sản mới" cho TP. Muốn làm được điều này, TP nên sớm thành lập một hội đồng tư vấn chuyên về kiến trúc cảnh quan đô thị, từ đó có thể đưa ra những phương pháp bảo tồn và phát triển kiến trúc hài hòa với sự phát triển không gian đô thị!".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cứu công trình kiến trúc cổ bằng cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.