(HNM) - Mùa xuân năm Tân Sửu sắp về, cả nước đang nỗ lực để đẩy lùi dịch Covid-19, mang lại cái Tết yên vui, an toàn cho người dân. Cuốn nhật ký chống dịch bằng thơ có tựa đề “Chống dịch như chống giặc” của nhà thơ Phan Văn Đà (bút danh Đà Giang) ra mắt dịp này như tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch trong cuộc chiến cam go, thách thức này.
Trước khi nghỉ chế độ, nhà thơ Phan Văn Đà là Bí thư Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội). Suốt đời gắn bó với sự phát triển của Thủ đô, nên mỗi trang viết của ông, từ tiểu thuyết, tùy bút, truyện ngắn đến thơ đều thấm đẫm tình yêu đất nước, đặc biệt là vùng núi Tản, sông Đà, đóng góp xây dựng cuộc sống mới, tốt đẹp hơn trên quê hương. Mùa xuân năm Tân Sửu 2021 này, ông bước vào tuổi 84, nhưng vẫn ngày ngày miệt mài chắt lọc chất liệu, kinh nghiệm sống đưa vào sáng tác. Tập thơ “Chống dịch như chống giặc” dày 100 trang, do Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa ấn hành, cho thấy sức lao động bền bỉ của ông.
Tác giả mượn tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến cam go với dịch Covid-19 - “Chống dịch như chống giặc” là tựa đề cho cuốn sách. Nhà thơ Đà Giang cho biết, 32 bài thơ trong cuốn sách này ông sáng tác năm 2020, ghi lại diễn biến từng sự kiện của dịch Covid-19 như một dạng nhật ký. Tập thơ mang tính chính trị, thời sự rõ nét. Khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, ông coi là “Giặc đến nhà”, nhắc để mọi người “Nhận diện kẻ thù” và thể hiện đồng lòng “Chống dịch như chống giặc”. Khi dịch diễn biến phức tạp, nhiều người dân gặp khó khăn, thì ông nhắn nhủ bền chí qua bài “Trong cái khó ló cái khôn” và “Thương người như thể thương thân”. Trong những ngày chống dịch vô cùng vất vả, ông diễn tả nơi tuyến đầu đã thấy xuất hiện “Vị tướng tài ba”, “Những chiến sĩ áo xanh” đã “Làm nên kỳ tích”...
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đã làm nên những kỳ tích, được cả thế giới ngợi ca. Tuy nhiên, đất nước ta không được chủ quan, thỏa mãn, như những câu thơ ông viết: “Loại dịch này khó chữa/ Không chỉ là lây nhanh/ Sức bùng phát tung hoành/ Vừa thấy lui lại tiến/ Tái phát đang xuất hiện”. Ở bài “Cuộc chiến còn dài” in ở cuối sách, trong lời kết, nhà thơ nhắc nhở: “Đã đến lúc phải tỉnh/Không chỉ chờ vắc xin/Phải biết phòng thường xuyên/Môi trường là số một/Chống dịch là khó thật/Hẳn cuộc chiến còn dài”… Lời thơ nhẹ nhàng, giàu sức gợi, ẩn chứa những thông điệp và thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng trong tập thơ dễ đi vào lòng người, để lại nhiều bài học cho độc giả.
Góp phần làm phong phú thêm phần nội dung, cuốn sách “Chống dịch như chống giặc” còn in 15 tranh cổ động và ảnh sưu tầm của tác giả Nguyễn Đoàn. Đó là ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền Hà Nội tham gia chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra còn có ảnh cộng đồng chung tay góp sức giúp người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh họa sĩ nhỏ tuổi vẽ tranh cổ động phòng, chống dịch…
Một điều khá thú vị, nhiều bài thơ trong cuốn sách của nhà thơ Đà Giang đã trở thành chất liệu quý, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhạc sĩ. Hai bài thơ “Quyết thắng Covid” và “Việt Nam tự hào thắng giặc Covid” đã được nhạc sĩ Hoàng Bình và Phú Khải phổ nhạc, lan tỏa trong cộng đồng.
Với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19, trong một năm qua, những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa của văn nghệ sĩ cả nước và Hà Nội đã góp phần động viên, cổ vũ nhân dân và các chiến sĩ ở nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó phải kể tới đóng góp của nhà văn, nhà thơ Phan Văn Đà, một con người ưu tú của xứ Đoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.