Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuốn hút từng trang tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên”

Vân Lam| 15/05/2022 05:02

(HNMCT) - Ngay từ những trang đầu tiên, “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” - cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái đã đầy cuốn hút. Cuốn hút từ “món cá rán sông Hằng là số một trần gian” tới “một nhà sư không sát sinh mà lại mê món cá rán”. Nhà sư vốn không phải là nhà sư mà là điệp viên, và trước khi trở thành điệp viên lại là chàng trai si tình.

Với lối kể nhập vai, giọng văn tự nhiên và hấp dẫn, nhà văn Hồ Anh Thái lần lượt đưa người đọc đến với từng nhân vật “ta”. Một cô gái nghèo đẳng cấp thấp bị bọn nhà giàu xâm phạm phẩm tiết đã trở thành Nữ Chúa của băng cướp với cách báo thù ghê rợn. Một công tử con quan vì theo đuổi người mình yêu mà gia nhập lực lượng đặc biệt, rồi được hoàng gia cài cắm vào làm điệp viên trong giáo đoàn của Phật. Một hoàng hậu sống giữa biến loạn vương triều, luôn nhìn ra đường không phải từ cửa sổ mà “nhìn bằng tâm trí”, bằng con mắt thứ ba “xuyên qua đêm tối và sương mù”. Một tiểu vương đắm mình trong hoan lạc và mê muội dẫn đến những mâu thuẫn hậu cung nặng nề. Còn Đức Phật, trong bốn mươi lăm năm truyền giảng giáo thuyết của mình, đã thành công với tất cả các vương quốc của Ấn Độ, chỉ trừ vị tiểu vương quốc Vamsa luôn không tha thiết với các giá trị tâm linh, lòng luôn ngờ vực các loại triết thuyết sẽ tranh đoạt quyền lực của mình khiến giáo đoàn ở đây lục đục, bê bối, chia rẽ, mất đoàn kết dai dẳng nhiều năm trời.

Những cuộc chạm mặt của các nhân vật trong truyện dần hé lộ bao tình tiết bất ngờ, đưa người đọc bước chân vào thế giới hư hư thực thực khi nhiều nhân vật lịch sử xuất hiện trong tiểu thuyết như Đức Phật, vua xứ Vamsa, hoàng hậu Samavati, quý phi Magandiya, quốc sư Bharadvaja... Ngay cả những nhân vật hư cấu, ở một mức độ nào đó, cũng ít nhiều mang thân phận lịch sử có thật. Như nhân vật Nữ Chúa Manju chẳng hạn. Trong tiểu thuyết, cái tên Manju là do tác giả đặt, còn trong đời thực suốt hơn 2.500 năm, lịch sử Ấn Độ ghi nhận nhiều tướng cướp nghĩa hiệp vì người nghèo. Nhà văn Hồ Anh Thái đã mượn chuyện đời của một số nữ tướng cướp Ấn Độ trong lịch sử để xây dựng nhân vật Nữ Chúa Manju.

Theo nhà phê bình Lê Thị Hường, tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” tuy “viết về lịch sử nhưng không lệ thuộc sự kiện mà nhà văn đã trình hiện lịch sử theo cách của một cái - tôi - văn - hóa. Câu chuyện về lịch sử cổ đại Ấn Độ được cấu trúc theo lối cổ điển, phù hợp với chuyện xưa tích cũ. Nội dung được triển khai từ một sườn truyện dựa trên trục nhân vật, vừa phân mảnh, vừa liên hoàn. Những nổi nênh phận người dồn nén qua lời tự bạch và dòng tâm trạng”.
Dù không dài, nhưng cuốn tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” dường như đã nén nhiều sức nặng nội dung và hàm nghĩa. Tác phẩm như nối dài niềm đam mê với đề tài Ấn Độ của nhà văn Hồ Anh Thái mà trước đó ông đã giới thiệu cùng bạn đọc qua tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”, truyện ngắn “Tiếng thở dài qua rừng kim tước”, biên khảo “Namaskar! Xin chào Ấn Độ”.

Tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” do NXB Trẻ ấn hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuốn hút từng trang tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.