(HNM) - Thành thông lệ, dịp cuối năm, câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lại “nóng” lên ở khắp các chợ, trung tâm thương mại từ nội thành đến ngoại thành Hà Nội.
Bài đầu: "Ma trận" hàng thật - hàng giả
Người tiêu dùng đang rất hoang mang khi hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán tràn lan trên thị trường. Dù đã được trang bị một số kỹ năng, phần mềm nhằm phân biệt hàng thật - hàng giả, nhưng với “ma trận” như hiện nay, cộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi của người sản xuất và kinh doanh hàng giả, nhiều người tiêu dùng vẫn dính “bẫy”.
Hàng giả, hàng nhái hiện diện khắp nơi
Mặt hàng thường bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, hàng điện tử... Khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán công khai, nhất là ở các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Tại một số tuyến đường, phố kinh doanh các mặt hàng quần áo, túi, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng… sầm uất như Chùa Bộc, Bà Triệu, Thái Hà, Tây Sơn, Nguyễn Sơn, Nguyễn Trãi,... hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn được trà trộn. Điểm chung của loại hàng này là giá rẻ hơn nhiều lần so với hàng thật.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Sơn Hà |
Trong vai người tìm mua mẫu túi Louis Vuitton mới nhất năm nay, một người bán túi ở chợ Hôm - Đức Viên nhanh nhảu nói với phóng viên: "Chị đợi chút nhé, mẫu này đang "hot" mà". Lúc sau, người bán hàng mang ra một số túi có mẫu mã y hệt yêu cầu nhưng giá chỉ 1 triệu đồng. Tại một số cửa hàng giày dép, người tiêu dùng có thể lựa chọn mẫu mã các thương hiệu Gucci, Chanel, Hermes... có giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, trong khi giá của hàng chính hãng từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.
Chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy) từ lâu vẫn được coi là “thủ phủ” của hàng giả, hàng nhái. Chỉ cần 100.000 đồng, khách hàng được sở hữu chiếc áo sơ mi hàng hiệu Bubberry; 200.000 đồng sẽ có ngay chiếc áo khoác Gucci. Tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), vào một sạp hàng tạp hóa hỏi mua tất nam, ngay lập tức phóng viên được chủ sạp giới thiệu mua tất thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản. Loại tất này đang được rao trên các trang web bán hàng chính hãng với giá trên 100.000 đồng/đôi thì tại chợ Ngã Tư Sở chỉ có giá 170.000 đồng/10 đôi. Thấy phóng viên thắc mắc, chủ sạp hàng giải thích: “Năm nay chị chủ động đặt sớm nên mới có giá “mềm” như vậy. Em cứ yên tâm, chị bảo đảm đây là tất nhập khẩu chính hãng, chất lượng tốt...”. Khi mở ra xem, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi những đôi tất mang thương hiệu Uniqlo được làm cơ bản bằng chất ni lông, đường may xộc xệch. Quan sát tại chợ này, còn có rất nhiều mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, kính mắt làm giả các hãng thời trang nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci... bày la liệt, công khai.
Tại một số chợ truyền thống của huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thường Tín hay các chợ "cóc", chợ tạm, quầy hàng ở các thôn, xóm khu vực ngoại thành Hà Nội..., hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng được bày bán rất nhiều. Tại chợ Sấu, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), khu vực bán hàng quần áo, giày dép, thực phẩm khô luôn đông khách ra vào mua sắm. Chị Lê Thanh Năm, xã Dương Liễu cho biết, các mặt hàng quần áo, giày dép tại chợ Sấu bán rất rẻ, mẫu mã đẹp. Nhiều người tiêu dùng biết đó là hàng nhái, hàng giả, nhưng giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền nên vẫn mua về sử dụng.
Đột nhập “thiên đường” tem, nhãn mác ở phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), thật dễ dàng mua lô tem nhãn cho quần áo hàng hiệu. Bỏ ra 50.000-100.000 đồng, người mua hàng được sở hữu cả 100 chiếc mác quần áo mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Levi's, Adidas... Bỏ ra 200.000-300.000 đồng có thể phù phép 200 chiếc áo Trung Quốc giá 25.000 đồng ở chợ Nhà Xanh thành những chiếc áo “Made in Vietnam”. Thực tế này cho thấy, việc biến sản phẩm không có thương hiệu thành hàng hiệu chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Vì đâu nên nỗi?
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 1.420 vụ hàng giả, hàng nhái bị xử lý, phạt tiền 13 tỷ đồng; thu giữ số hàng hóa tương đương 13 tỷ đồng. Trong đó, điển hình tại huyện Hoài Đức bắt 17 vụ, phạt trên 336 triệu đồng. Cá biệt có vụ tạm giữ hơn 5.000 sản phẩm quần, áo lót nam mang nhãn hiệu giả Puma, Tommy, Calvin Klein, Polo, Nike, Adidas tại 1 cơ sở may mặc ở xã Kim Chung do bà Cấn Thị Thanh Nga làm chủ, xử phạt 66 triệu đồng. Còn tại quận Hà Đông, từ đầu năm đến nay đã bắt và xử lý 28 vụ vi phạm về hàng giả, chủ yếu là quần áo, xử phạt 318 triệu đồng... Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các nhà phân phối hàng hóa bất chấp sự vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, vẫn cố tình nhập hàng về bán để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Vì vậy, không biết sẽ còn bao nhiêu sản phẩm bị cố tình dán "nhầm" nhãn mác tung ra thị trường.
Nói về nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái chưa được loại trừ và gây nhức nhối cho xã hội, ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Do lợi nhuận quá lớn từ hàng giả, hàng nhái nên các đối tượng vi phạm luôn tìm cách lợi dụng, sử dụng các phương tiện kỹ thuật thông tin hiện đại để đối phó lực lượng chức năng. Ngoài ra là do một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm; người dân còn thiếu kiến thức, thông tin để có thể phân biệt hàng thật - giả... Trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, xử lý còn thiếu và yếu; công tác phối hợp giữa các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa trong nước với cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền giúp người dân phân biệt hàng thật - giả chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến việc đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.