Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa giá bán lẻ điện

Thanh Hải| 15/05/2020 17:21

(HNMO) - Chiều 15-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, thông tin về tình hình hoạt động của ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 4-2020 và 4 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, bước sang tháng 4-2020, nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 từ cả hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tháng 4 ước giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I-2020 chưa bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Bước sang quý II-2020, hoạt động thương mại Việt Nam đã cho thấy sự ảnh hưởng từ dịch bệnh rõ nét hơn. Tại thời điểm hiện tại, tác động trực tiếp đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thể hiện ở một số điểm như nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh; hoạt động giao thương hạn chế; hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn hơn.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4-2020 ước đạt 17,6 tỷ USD, giảm mạnh 27,1% so với tháng 3-2020 và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 80,9 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 54,2 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại cuộc họp, liên quan đến câu hỏi việc giảm giá điện có tạo áp lực tăng giá điện trong ngắn hạn hay không, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ giám sát chặt hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên nhằm bảo đảm giá điện công khai, minh bạch. Đối với tình hình cung ứng điện, do ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội nên thời gian qua, phụ tải điện có giảm so với kế hoạch phê duyệt đầu năm.

Ông Trần Tuệ Quang cũng cho biết, hiện tại, Bộ đang phối hợp với EVN cập nhật tình hình, điều chỉnh và dự kiến cuối năm 2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa giá bán lẻ điện. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ sẽ xây dựng giá bán điện mới.

Liên quan đến tình hình giá thịt lợn hiện nay vẫn còn cao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, bản chất của giá thịt lợn là vấn đề cung cầu, hiện nay, nguồn cung thiếu là rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 đã thiếu 20-21% (so với năm 2018) về tổng đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường và 3 tháng đầu năm 2020 lại tiếp tục giảm 20% nữa so với cùng kỳ năm 2019.

“Giải pháp bền vững là phải tái đàn. Theo tính toán, sớm nhất phải hết năm 2020, nếu không có đột biến thì lượng lợn cung cấp ra thị trường mới tương đương trước khi có dịch. Biện pháp thứ hai là nhập khẩu để bù đắp, nhưng phải tính toán. Hiện tại, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở các nước giới thiệu đầu mối nhập khẩu bảo đảm về giá cả, chất lượng cho doanh nghiệp trong nước. Bộ cũng phối hợp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị để tổ chức các chương trình khuyến mại, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn”, Thứ trưởng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa giá bán lẻ điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.