Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối 2015: GDP bình quân đầu người Hà Nội đạt 82-86 triệu đồng

H.Vân| 13/07/2011 12:15

(HNMO) - Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 của Hà Nội đã được UBND Thành phố Hà Nội trình lên kỳ họp thứ hai HĐND Thành phố khóa XIV sáng nay, 13/7.


Theo đó, 5 năm tới, Hà Nội hướng vào thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững; Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch; Tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội; Ưu tiên phát triển khoa học-công nghệ, giáo dụ-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển thủ đô trong thời kỳ mới; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, chọn hai khâu đột phá trong thực hiện gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, đổi mới công tác cán bộ, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân; Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.


Về các chỉ tiêu chủ yếu, Kế hoạch đề ra 20 chỉ tiêu, với 5 chỉ tiêu phát triển kinh tế, 10 chỉ tiêu phát triển văn hóa-xã hội, 5 chỉ tiêu phát triển đô thị - nông thôn và môi trường.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, GDP giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng trung bình 12-13%; Cơ cấu kinh tế cuối năm 2015: dịch vụ 54-55%; công nghiệp – xây dựng 41-42%; nông nghiệp 3-5%; GDP bình quân đầu người cuối năm 2015 đạt 82-86 triệu đồng; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 là 1400-1500 tỷ đồng; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 14-15%

Về phát triển văn hóa-xã hội, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,02%/năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2015 xuống dưới 5%; Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2015: 100%; Số giường bệnh/vạn dân là 20; Số bác sỹ/vạn dân là 12,5; Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa: 88%, làng văn hóa 65%, tổ dân phố văn hóa 55%, cơ quan, đơn vị văn hóa 60%; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50-55%; Số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm từ 140-145 nghìn người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 55%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 1,5-1,8%; Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ phổ cập bậc THPT và tương đương năm 2015 đạt 90%.

Về phát triển đô thị - nông thôn và môi trường: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 40%; Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2015 đạt 28m2; Diện tích đất xanh đạt 7m2/người; 100% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% số hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch; lượng nước sạch đô thị đạt 150l/người/ngày đêm; Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý trong ngày tại nội thành đạt 100%, ngoại thành đạt 80%; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hiểm và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.

Đáng chú ý, về kế hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực cụ thể cho giai đoạn 2011-2015, Thành phố xác định các trọng tâm đầu tư và các dự án, công trình trọng điểm gồm: Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn theo hướng đồng bộ, văn minh, theo quy hoạch, bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn xanh-sạch-đẹp; đầu tư phát triển hạ tầng xã hội tương ứng với nhiệm vụ xâu dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp đi đôi với chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành kinh tế, vùng kinh tế theo hướng hiện đại hóa và hiệu quả cao; Coi trọng công tác xã hội hóa đầu tư với tinh thần quyết liệt hơn, chuyển mạnh trên mọi lĩnh vực nhằm khơi dậy và khai thác tiềm năng của xã hội.

Cũng trong Kế hoạch, UBND Thành phố đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 2006-2010. Theo đó, việc thực hiện 12 chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội cho giai đoạn này như sau: Tăng trưởng GDP trung bình là 10,73%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra tại báo cáo giữa kỳ là 11-12%; Cơ cấu kinh tế cuối năm 2010 là dịch vụ: 52,5%; công nghiệp-xây dựng: 41,6%; nông nghiệp: 5,9%, đạt kế hoạch; GDP bình quân đầu người cuối năm 2010 đạt 37 triệu đồng, vượt kế hoạch (30-31 triệu); Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn đạt 600.602 tỷ đồng, vượt kế hoạch (từ 410-415 nghìn tỷ); Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 21,62%, không đạt kế hoạch (27-27,5%); Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,2%/năm, không đạt kế hoạch (1,1-1,15%); Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ phổ cập bậc THPT và tương đương năm 2010 đạt 80%, đạt kế hoạch; Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 là 35%, không đạt kế hoạch (từ 50-55%); Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2010 đạt 97,2%, vượt kế hoạch (90%); Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 4,5%, đạt kế hoạch; Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2010 đạt 26m2, vượt kế hoạch; Cung cấp nước đảm bảo vệ sinh cho trên 95% dân đô thị, 82% dân nông thôn, đạt kế hoạch.

Cần những điểm nhấn trong chiến lược phát triển Thủ đô 5 năm tới

Đánh giá về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND Thành phố cơ bản đồng tình với các nội dung và chỉ tiêu chủ yếu đã được xây dựng trong Kế hoạch. Ban nhấn mạnh, một số hạn chế của Thành phố trong quản lý giao thông đô thị, phát triển kinh tế, ứng dụng khai thác công nghệ… vẫn sẽ tiếp tục là hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển và thực hiện các nhiệm vụ của Hà Nội trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ban không đồng tình với đánh giá của UBND Thành phố giải trình về việc chưa đạt 4/12 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2006-2010 là do kinh tế toàn cầu suy thoái; Việc nhận định về tình hình trong nước và thế giới 5 năm chưa cập nhật, chưa sđánh giá đúng hết những khó khăn mới xuất hiện và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến kinh tế-xã hội Thủ đô như lạm phát cao, khủng hoảng nợ công ở các nước trên thế giới…

Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách, việc UBND Thành phố đánh giá những khó khăn, thách thức của Hà Nội mới dừng lại ở cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, chênh lệch vùng miền… là chưa đầy đủ. Đây cũng sẽ là những hạn chế nếu Thành phố không có biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng cho rằng, mục tiêu tổng quát nêu trong Kế hoạch có điểm chưa đúng và chưa xác định được mục tiêu cụ thể, cần bổ sung mục tiêu Hà Nội đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức, xác định rõ nét và cụ thể hơn những điểm nhấn và mạnh trong chiến lược phát triển Thủ đô 5 năm tới, xem xét và báo cáo thêm về 4 cân đối lớn của Kế hoạch, giải trình rõ hơn các danh mục dự án lớn…

Theo chương trình, trong phiên làm việc chiều mai, 14/7, các đại biểu sẽ thảo luận về kế hoạch này và sẽ biểu quyết thông qua kế hoạch trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuối 2015: GDP bình quân đầu người Hà Nội đạt 82-86 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.