Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc tổng tấn công vào đại dịch Covid-19

Thùy Chi| 30/04/2020 17:50

(HNMO) - Ngày 30-4-1975, hai tiếng Việt Nam đồng loạt vang lên đầy tự hào trên khắp thế giới trong sự ca ngợi, chúc mừng và ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế trước chiến thắng vang dội, hào hùng của một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất.

Mốc son lịch sử chói lọi ấy vẫn luôn được khắc ghi và là động lực để dân tộc ta tiếp tục vững bước, mạnh mẽ đương đầu với những thách thức trong thời đại mới.

Hôm nay, hai chữ Việt Nam một lần nữa được cộng đồng quốc tế nhắc tới như một hình mẫu cho nỗ lực phòng, chống dịch của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, được ví như “Cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” vào Covid-19. 

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho tài xế tại chốt kiểm soát phía Bắc cầu Chương Dương hướng vào nội thành Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày lịch sử của thế giới

Ngay sau chiến thắng ngày 30-4-1975 và trong suốt những năm sau này, truyền thông quốc tế đã dành hàng loạt bình luận như Việt Nam kiên cường, anh dũng, biểu tượng về tinh thần dân tộc và sự đoàn kết… khi nói về công cuộc chiến đấu bề bỉ và những hy sinh, gian khổ mà nhân dân Việt Nam đã trải qua để có được niềm vui Bắc - Nam sum họp. Nhật báo The New York Times của Mỹ khẳng định, chiến thắng ngày 30-4-1975 của Việt Nam là “ngày lịch sử của thế giới”. 

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ca ngợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Còn báo Tin tức Ai Cập đã viết: “Không một ai trên trái đất này, bất kể chính kiến hay màu da, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30-4-1975”.

Có thể nói, thắng lợi mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của nội lực Việt Nam với sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế. Báo Pasason, cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã có bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy tháng 5-1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975.

Nhà sử học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện ngày 30-4 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù. Để có được chiến thắng này, hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt. Gần như gia đình người Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát cho cuộc kháng chiến vĩ đại này.

Sự kiện 30-4-1975 có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Hãng thông tấn AFP của Pháp nhận định, sự kiện 30-4 tại Việt Nam chính là sự kiện nổi bật nhất năm 1975: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có tác động lớn đối với khu vực và toàn thế giới trong tương lai gần”. Tạp chí châu Âu của Pháp bình luận, từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được trước một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng chục năm nữa mới có thể nhìn nhận hết tầm quan trọng của thắng lợi này.

Tờ Asashi Shimbun của Nhật Bản cũng đã đăng bài xã luận về sự kiện này: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và phần thắng thuộc về lực lượng giải phóng. Điều này có nghĩa là thời kỳ các nước mạnh dùng vũ lực để giết chết tinh thần dân tộc đã chấm dứt”.

Tiếp tục làm nên kỳ tích trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Trong thời đại toàn cầu hóa, đối mặt đại dịch Covid-19 với những tác động toàn diện, chính phủ các nước đang phải dồn toàn lực để thực thi một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ. Trong đó, Việt Nam dù không phải là nước giàu có nhất tại khu vực song lại tiếp tục nổi lên nhờ những nỗ lực tập thể và sự thống nhất của các quyết sách, với việc toàn xã hội đoàn kết một lòng để ứng phó với đại dịch.

Trong lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “toàn dân cùng chung sức, đồng lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. 

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ, phản ứng mau lẹ, dứt khoát của cả hệ thống chính trị đã làm nên thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như một kỳ tích, là bài học kinh nghiệm để các nước khác học hỏi. Truyền thông quốc tế nhiều lần nhắc tới khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhằm minh chứng cho quyết tâm chống dịch, khơi gợi ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam.

Tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản khẳng định, những biện pháp của Việt Nam trong chống dịch Covid-19 là vì lợi ích của toàn cộng đồng, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". 

“Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu chống dịch thành công của thế giới”. Đây là nhận định của Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Thái Lan John MacArthur, được đài National Public Radio của Mỹ đăng tải. Ông John MacArthur cho rằng, chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này. Còn trang tin tức và truyền thông Lenta.ru của Nga nêu rõ, thành công của Việt Nam có thể được giải thích bằng sự gắn kết xã hội của người dân, thể hiện ở tính kỷ luật và sự đoàn kết, tuân thủ quy định.

Trong khi đó, tờ Financial Times của Anh gọi đây là cuộc tổng tấn công chống Covid-19 mà Việt Nam huy động cả xã hội tham gia với sự chung tay của đội ngũ y, bác sĩ và quân đội, đồng thời có sự ủng hộ của người dân. Khảo sát do tổ chức Dalia Research có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới. Đa số người Việt Nam được hỏi cho rằng chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp, không quá mạnh tay hay lỏng lẻo. 

Bên cạnh các biện pháp chống dịch Covid-19 minh bạch, quyết liệt, Việt Nam còn gây ấn tượng mạnh mẽ bằng sự tương trợ, đoàn kết dành cho các nước trong cuộc chiến chung toàn cầu này. Trong các buổi lễ trao tặng vật tư y tế, quà và tiền ủng hộ cho công tác chống dịch tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh mặc dù Việt Nam cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19, song với tinh thần hữu nghị, truyền thống tương trợ, và trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực chia sẻ và dành sự giúp đỡ chân tình với các nước trong đại dịch, thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Tờ Asia Times có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) dẫn ý kiến của ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation đánh giá, thành công của Việt Nam trong xử lý đại dịch cũng như những nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam chứng minh giá trị ngày càng tăng của mình với thế giới. Còn trang East Asia Forum của Đại học quốc gia Australia thì cho rằng, sau tất cả những thử thách cam go này, tiếng nói của Việt Nam sẽ rất có trọng lượng và đầy thuyết phục, không chỉ trên diễn đàn khu vực mà cả trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tổng tấn công vào đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.