Thay đổi cả nhà sản xuất lẫn ban tổ chức và kênh phát sóng, cuối cùng, sau một năm bị hoãn tổ chức (2008) và một năm hủy hoàn toàn (2009), cuộc thi
Gập ghềnh thần tượng
Là phiên bản dành cho khán giả Việt Nam của chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thế giới "Idol," lại đánh trúng tâm lý yêu thích ca hát và khao khát trở thành ngôi sao ca nhạc của giới trẻ, không khó lý giải sự thành công của chương trình "Thần tượng Việt Nam" ngay trong năm tổ chức đầu tiên.
Trong năm 2007 này, cuộc thi đã thu hút hơn 6.000 đơn đăng ký dự thi, là một trong những chương trình truyền hình có chỉ số rating (số lượng người xem) cao của kênh HTV (Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời đoạt luôn danh hiệu "Chương trình của năm" của giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2007 do các nhà báo trên cả nước bỏ phiếu bầu chọn.
Tưởng như không có gì cản trở "Thần tượng Việt Nam" tiếp tục “càn lướt” trên sóng giải trí truyền hình lẫn show-biz Việt, nhất là khi hậu thuẫn cho chương trình này là “ông chủ lớn”- Công ty Unilever Việt Nam, người mua bản quyền chương trình gốc từ Fremantle Media, kết hợp với nhà sản xuất giàu kinh nghiệm Đông Tây Promotion thuộc Công ty quảng cáo Đất Việt phối hợp thực hiện, phát sóng trên “kênh vàng” của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh là HTV7 cùng hàng loạt đài tiếp sóng (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ).
Ấy thế nhưng, “làn sóng” ấy đã gặp sự cố ngay khi chuẩn bị khởi động mùa thi thứ hai (2008). Tháng 6/2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn yêu cầu Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tạm hoãn cuộc thi "Vietnam Idol" lần hai, với lý do là “có khá nhiều cuộc thi tương tự đã và sẽ diễn ra trên HTV trong năm 2008” và thêm một lý do nữa, “Vietnam Idol không phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay.” Tuy nhiên, không rõ vì sao, sau đó không lâu, lời đề nghị này hình như được… rút lại, "Vietnam Idol 2008" vẫn được tổ chức, qui mô và số lượng đăng ký dự thi còn đông hơn mùa trước, duy nhất chỉ muộn hơn, kéo dài từ cuối tháng 7/2008 đến giữa tháng 1/2009.
Song đây có thể xem là mùa Idol cuối cùng của nhà sản xuất Đông Tây Promotion. Theo nguồn tin từ một thành viên nhóm sản xuất, mặc dù đã nỗ lực bằng mọi cách, song "Thần tượng Việt Nam" năm thứ ba gần như đã “hết cửa” ở Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh khi lời đề nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên hiệu lực.
Năm 2009, Thần tượng Việt Nam đã không được tổ chức. Thay vào đó, Thành phố Hồ Chí Minh có một cuộc thi khác rùm beng hơn - "Tuyển chọn nghệ sĩ đa năng Việt Nam" (Vietnam Super Star Contest 2009) do Công ty Rainbow Media (Hàn Quốc), Trung tâm UNESCO giao lưu văn hóa quốc tế Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Song cái sự “rùm beng” của cuộc thi này lại không nằm ở thời gian diễn ra, mà nằm ở khúc “vĩ thanh”: đó là vụ thí sinh đoạt giải Nhất khởi kiện ban tổ chức vì không nhận được tiền thưởng và lời hứa được đào tạo thành ngôi sao tầm cỡ châu Á cũng tan theo mây khói.
Không ở thành phố thì lên…Trung ương?
Sốt ruột vì "Thần tượng Việt Nam" không tổ chức năm 2009, trong số nhiều suy đoán của khán giả trên các diễn đàn về nguyên nhân, có cả ý kiến cho rằng "Thần tượng Việt Nam" không được tổ chức trên HTV là vì… sức ép của VTV, do VTV đang có những cuộc thi khác tương tự "Sao Mai điểm hẹn," "Song ca cùng thần tượng"(!).
Song thực tế, "Thần tượng 2010" sẽ được phát sóng trên VTV! Thay cho vị trí của nhà sản xuất Đông Tây và ban tổ chức HTV (Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ là nhà sản xuất BHD và kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6 của Đài truyền hình Việt Nam. Đông Tây thì vẫn hợp tác cùng VTV3 tổ chức "Sao Mai điểm hẹn" (bị xem là một phiên bản khác của "Pop Idol") ngay trong năm nay. Tuy không công bố, song gần như ai cũng tự hiểu, việc thay đổi nhà sản xuất và kênh phát sóng này, “lôi” "Thần tượng Việt Nam" từ “thành phố” về “Trung ương” chính là để "Thần tượng Việt Nam" tiếp tục được tổ chức...
Là một chương trình truyền hình thực tế, với tiêu chí hàng đầu là giải trí, thực ra, bản thân "Thần tượng Việt Nam" cũng chẳng có gì nhiều để tranh cãi, ngay cả khi các “ngôi sao” được phát hiện từ cuộc thi này còn lâu mới vươn tới tầm thần tượng. Nhưng điều đáng nói ở đây lại là những nảy sinh từ việc tổ chức chương trình này.
Hoãn rồi tiếp tục, hủy bỏ rồi làm lại, những lý do đưa ra xem chừng khó thuyết phục. Điều này có thể dẫn đến những sự thiếu nhất quán trong quản lý văn hóa. Mà thực tế điều này đã xảy ra, gần đây nhất ở chương trình truyền hình đang thu hút sự quan tâm của khán giả. "Bước nhảy hoàn vũ" suýt nữa không thể mở màn ở Thành phố Hồ Chí Minh với đề nghị “đổi tên” từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Thay vì một cái tên Việt hóa như đang dùng, "Bước nhảy hoàn vũ" được yêu cầu phải dịch sát tên format gốc "Dancing with the Stars" (Khiêu vũ với ngôi sao), trong khi trên thực tế "Thần tượng Việt Nam" được “dịch” sát nghĩa với bản gốc Vietnam Idol lại bị “phản đối” chính vì chữ “thần tượng”, và "Chiếc nón kỳ diệu" thì đã thân thuộc với khán giả truyền hình cả nước đến nỗi gần như không ai còn nhớ tên gốc của nó là "Vòng quay may mắn"!
Cũng chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" đã phải dời hai đêm thi khỏi Thành phố Hồ Chí Minh (xuống Vũng Tàu) theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để không ảnh hưởng tới các chương trình kỷ niệm lễ 30 tháng 4, nhưng trên thực tế, bản thân ban tổ chức cuộc thi đã ngưng tuần thi trùng với dịp lễ nói trên và khi cuộc thi diễn ra tại Vũng Tàu thì khán giả cả nước cùng khán giả Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xem truyền hình trực tiếp chẳng khác gì đang diễn ra tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng!
Một chương trình từng bị từ chối cấp phép vì thiếu những điều kiện cần thiết đảm bảo cho tổ chức nhưng có thể tìm được “giấy phép” ở “cửa” khác - những chuyện như thế, thật khó hiểu, vẫn đang diễn ra./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.