(HNMO) - Dù đã ổn định cuộc sống, nhiều người dân Nhật Bản vẫn cảm thấy không thể quen với sự tù túng khi phải sống sau bức tường dài hàng trăm km ngăn cách với biển.
Ngư dân Atsushi Fujita vẫn làm việc như thường lệ khi trận động đất mạnh xảy ra vào ngày 11-3-2011. Không lâu sau đó, cơn sóng khổng lồ tràn vào thành phố Rikuzentakata nơi ông sinh sống, cướp đi mạng sống của gần 2.000 người.
7 năm sau thảm họa, ngư dân Fujita và hàng nghìn người khác tại Đông Bắc Nhật Bản đã gây dựng lại cuộc sống dọc những bức tường khổng lồ. Các chuyên gia cho biết, các bức tường sẽ bảo vệ mọi người khỏi một trận sóng thần khác.
Bức tường bê tông cao 12,5 m thay thế đập chắn nước cao 4 m không thể ngăn thảm họa hồi cuối năm 2011. Động đất và những đợt sóng thần cao đến 30 m tại một số khu vực đã làm gần 18.000 người tại Nhật Bản thiệt mạng, đồng thời gây rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Sau thảm họa, một số thành phố cấm xây dựng ở những nơi bằng phẳng gần bờ biển và đưa người dân đến sống ở những khu vực cao hơn.
Khoảng 395 km tường được xây dọc bờ biển với kinh phí 1.350 tỷ yen (tương đương 12,74 tỷ USD) để thay thế đập chắn nước từng bị phá hủy bởi cơn sóng thần cuối năm 2011. "Cảm giác như thể chúng tôi đang sống trong tù dù không làm gì sai", ông Fujita than vãn.
"Bức tường sẽ ngăn không cho sóng thần tràn vào đất liền. Thậm chí nếu sóng thần cao hơn, bức tường sẽ làm chậm quá trình ngập, giúp có thêm thời gian di tản", Hiroyasu Kawai, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Cảng và Sân bay ở Yokosuka, cho biết.
Nhiều người dân lúc đầu ủng hộ việc xây tường nhưng sau đó quay ra chỉ trích. Một số cho rằng họ không được tư vấn đầy đủ hoặc phàn nàn việc kinh phí dùng để xây tường khiến kế hoạch tái thiết những hạng mục khác như nhà ở..., chưa được thực hiện. Số khác lo ngại bức tường sẽ khiến ngành du lịch gặp khó khăn.
Những ô cửa sổ nhỏ trên một đoạn tường tại phía Nam thành phố Kesennuma gây nhiều tranh cãi. "Đây chỉ thứ khiến chúng tôi hài lòng với cái mà chúng tôi không muốn ngay từ đầu", ông Yuichiro Ito, người mất nhà cùng em trai trong thảm họa năm 2011, nói.
"Khoảng 50 năm trước, chúng tôi tới đây với con cái, tận hưởng các chuyến đi dọc bờ biển tuyệt đẹp. Giờ chẳng còn dấu vết của những điều đó", Reiko Iijima, một khách du lịch đến từ miền Trung Nhật Bản cho biết.
"Không thể nói rằng bức tường nên thấp hơn hay chúng ta không cần nó nhưng nhờ bức tường mà tôi có thể gây dựng lại cuộc sống và có một công việc", ông Katsuhiro Hatakeyama, người mở lại dịch vụ ăn sáng, cho hay. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ứng với điều này. "Bức tường khiến chúng tôi bị chia cách với biển. Thật khó chịu", Sotaro Usui, Giám đốc một công ty cá ngừ, chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.