Làm việc cùng với Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Phú Trọng chỉ hơn một năm, nhưng nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XI Bùi Ngọc Thanh hết sức ấn tượng về cuộc sống giản dị của vị Chủ tịch đáng kính.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XI Bùi Ngọc Thanh kể: “Vào một ngày đáng nhớ với 3 con số 6 (26-6-2006), đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Chủ tịch Quốc hội (cuối khóa XI), khi đó tôi đang là người phụ trách công việc phục vụ Quốc hội, phục vụ lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Làm việc với nhau được hơn một năm, anh tiếp tục trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XII, còn tôi chuyển sang làm Văn kiện Quốc hội toàn tập và nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn dõi theo những hoạt động của anh với nhiều ấn tượng đẹp”.
Mấy tháng đầu Chủ tịch Quốc hội mới nhận nhiệm vụ, hầu như tuần nào tôi cũng được làm việc với Chủ tịch, có khi trao đổi công việc cả ngoài giờ. Một buổi trưa tháng 8-2006, tôi sang báo cáo thêm về việc chuẩn bị nội dung phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào buổi chiều. Đi qua mấy phòng mới gặp Chủ tịch Quốc hội (ngày ấy nhà làm việc của cơ quan còn rất chật hẹp, nhưng chúng tôi vẫn bố trí nơi làm việc của Chủ tịch có phòng tiếp khách và có chỗ nghỉ trưa). Theo thói quen, buổi trưa nên tôi vào phòng nghỉ, không có, tôi sang phòng khách cũng không có, tôi sang phòng làm việc thì vô cùng ngạc nhiên thấy Chủ tịch Quốc hội nằm nghiêng trên chiếc giường bạt cá nhân đang đọc tài liệu.
Tôi cất tiếng hỏi anh: “Sao anh lại nằm đây, mà phòng bên ai đã dọn hết mọi thứ đi rồi?”. Chủ tịch nhanh chóng ngồi vào chỗ làm việc rồi mới thủng thẳng “phân bua”: “Cơ quan mình đang thiếu nhiều chỗ làm việc, buổi trưa có một tiếng đồng hồ, ăn uống lích kích mất 30 phút, còn mấy chục phút, ngả lưng chút, mình nằm thế này là được rồi, giường nằm xong gập lại để vào sau tủ kia là gọn”...
Và từ ấy, Chủ tịch Quốc hội vẫn nghỉ trưa ngay tại phòng làm việc... Sự việc chỉ có thế nhưng tôi suy nghĩ miên man, buổi trưa mỗi ngày, xong bữa cơm bình dân ở nhà ăn cơ quan, vui vẻ cùng anh chị em, lên phòng làm việc, có khi chưa kịp uống chén nước, anh đã “ngốn” tài liệu ngay…
Những chuyến đi công tác địa phương, tùy theo nội dung công việc mà cơ cấu đoàn đi hợp lý. Mỗi đoàn gồm một số Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban cùng một số chuyên viên giúp việc. Chủ tịch Quốc hội trao đổi với tôi nhỏ nhẹ mà chân tình: “Chúng mình đi làm việc, có gì mà phải xe cộ rồng rắn, còi la ầm ĩ; cốt lõi là làm được việc, còn đi trong tĩnh lặng, về trong im lặng là tốt nhất, những sự thể chưa tối giản được thì cũng nên gọn nhẹ thôi...”.
Lĩnh hội được ý kiến chỉ đạo, tôi hiểu Chủ tịch yêu cầu thực hiện “một gọn, ba không”. “Một gọn”, đó là, tất cả các thành viên trong đoàn công tác đi chung trên một chiếc xe ca (lãnh đạo các cấp không đi mỗi người một xe con như trước). Như vậy, đoàn công tác chỉ có xe dẫn đường, xe Chủ tịch, xe báo chí và xe ca (bớt đi được 5-6 xe và lái xe).
“Ba không” đó là các xe sử dụng còi bình thường, không sử dụng còi hơi rú vang ầm ĩ dọc đường, không tự ý vượt đèn đỏ, mà phải tuân thủ sự điều hành của Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; lãnh đạo địa phương không được đón đoàn nơi giáp ranh giữa hai tỉnh/thành phố (riêng điểm này, tôi còn biết, nếu cứ tổ chức đi đón thì Chủ tịch sẽ rẽ đi đường khác).
Đến giờ xe chuyển bánh, Chủ tịch “nhảy” sang xe ca đi chung cùng anh em. Vậy là hết nghịch lý “ông to đi xe nhỏ, ông nhỏ đi xe to”. Không khí trong xe rộn hẳn lên với khẩu khiếu tiếu lâm và thơ trào phúng mùi mẫn, râm ran như pháo Tết. Chủ tịch góp vui cùng anh em bằng những chi tiết nhấn nhá đặc sắc, không thể nhịn cười. Ai cũng không ngờ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cả một kho chuyện hài hước, có cả “toàn tập” thơ trào phúng. Chuyện trò, nói cười rôm rả, đường dài như ngắn lại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.