Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn

Trung Hiếu| 14/11/2011 06:49

Tám tháng đã trôi qua kể từ khi các cuộc biểu tình bùng phát (giữa tháng 3-2011), đến nay, cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Riêng trong ngày 9-11, bạo lực đã xảy ra giữa những người biểu tình và quân chính phủ khiến 12 người thiệt mạng. Còn tại thành phố Homs, miền Trung nước này, nơi khởi điểm các vụ biểu tình, bạo lực đã diễn ra ngày thứ năm liên tiếp khi lực lượng an ninh và các binh sĩ đào ngũ giao chiến bằng vũ khí hạng nặng. Đến nay, theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), đã có hơn 3.500 người thiệt mạng sau những bất ổn tại quốc gia Trung Đông này.

Trong suốt thời gian qua, chính quyền Damascus và phe đối lập đã nhiều lần thương thảo nhằm giảm thiểu căng thẳng. Mới đây, nhân dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo (5-11), Syria đã trả tự do cho 533 tù nhân bị bắt giữ trong các cuộc bạo loạn. Đây là một phần của thỏa thuận mới được hoàn tất giữa chính quyền Tổng thống B. al-Assad và một ủy ban cấp bộ của Liên đoàn Arab (AL) nhằm tiếp tục đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, phe đối lập sau đó đã hành động ngược lại. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Jazeera, ông Burhan Ghalioun, người đứng đầu Hội đồng Dân tộc Syria (CNS), tổ chức tập hợp phần lớn các lực lượng đối lập tại nước này đã tuyên bố từ chối mọi cuộc đàm phán với chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad. Ông B. Ghalioun kêu gọi các sĩ quan và nhân viên an ninh không chấp hành lệnh của chính phủ đàn áp người dân Syria và cho biết CNS đã chính thức đề nghị AL và LHQ giúp bảo vệ dân thường tại Syria; trong đó có việc cử đến nước này các quan sát viên quốc tế...

Tình hình Syria xem ra không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Trong đó nhân tố nước ngoài được cho là đang ngày càng can thiệp sâu rộng vào nội bộ Syria. Ngoại trưởng Syria Walid Al Muallem mới đây đã khẳng định, chính quyền Mỹ "chắc chắn dính líu tới các vụ bạo lực đổ máu ở Syria", cản trở nỗ lực của AL tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Trước đó, Bộ Ngoại giao nước này cũng đã lên án tuyên bố được cho là vô trách nhiệm của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhằm thổi bùng sự bất đồng, ủng hộ khủng bố và ám sát do các nhóm vũ trang thực hiện nhằm vào công dân Syria. Damascus dẫn bằng chứng rằng, sau khi Bộ Nội vụ Syria cam kết ân xá cho những người tự giao nộp vũ khí trong vòng một tuần (từ 5 đến 12-11) thì Washington đã kêu gọi người dân Syria không làm như vậy vào thời điểm này. Trước đó, Washington đã thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và tổ chức của Syria cách bằng phong tỏa tài sản của Chính phủ Syria ở Mỹ, cấm công dân Mỹ làm ăn với Syria, cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ từ Syria... Trong một động thái mới, ngày 10-11, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jeffrey Feltman phụ trách Cận Đông nêu rõ, hầu hết các nhà lãnh đạo AL đều đề cập một điều, đó là chế độ của ông Assad đang đến hồi cáo chung.

Sự thay đổi ở Syria là không thể tránh khỏi.

Nhưng, tình hình tại Syria được dư luận khu vực cho rằng phức tạp hơn nhiều so với bối cảnh Libya trước khi nổ ra cuộc can thiệp quân sự như đã thấy. Cách thức đã áp dụng với Libya lặp lại với Syria được cảnh báo là sẽ gây hệ lụy lớn trong khu vực. Cuộc khủng hoảng tại Syria, theo Paul Salem, Giám đốc Viện Nghiên cứu Carnegie về Trung Đông, đã ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch của Syria. Bất ổn đã khiến ngoại thương của Syria giảm hơn 50% và đầu tư nước ngoài ngừng lại. Hơn 4 tỷ USD đã rơi khỏi "hầu bao" của Damacus kể từ khi các cuộc bạo động lan rộng và đồng bảng Syria bị rớt giá mạnh so với đồng USD. Những con số biết nói đó đã và đang tác động trực tiếp lên cuộc sống của người dân nước này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.