Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc khủng hoảng Syria: Chiến sự leo thang, chính trường bế tắc

Trung Hiếu| 01/08/2012 06:12

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria ngày càng lún sâu vào bế tắc. Gần một tuần qua, kể từ ngày 28-7, khi quân chính phủ mở chiến dịch quân sự toàn diện nhằm đánh bật các lực lượng nổi dậy có vũ trang đang chiếm giữ Aleppo ở miền Bắc Syria, chiến sự tại thành phố biên giới này vẫn chưa lắng dịu.


Ngày 30-7, sau 3 ngày tấn công dữ dội cả bằng chiến xa lẫn máy bay chiến đấu, quân đội Syria đã chiếm lại một phần quận Salaheddin, do lực lượng nổi dậy chiếm giữ và kiểm soát vài ngày trước đó. Tuy nhiên, Đại tá Abdel Jabbar Al-Oqaidi, người đứng đầu Hội đồng Quân sự quân đội Syria tự do đã bác bỏ thông tin và khẳng định binh sĩ chính phủ vẫn "chưa tiến thêm được tấc đất nào". Trong khi AFP đưa tin, lực lượng nổi dậy đã chiếm được một trạm kiểm soát chiến lược - bảo đảm cho việc tự do đi lại giữa thành phố này với Thổ Nhĩ Kỳ - sau cuộc giao tranh dài 10 giờ đồng hồ.


Thành phố Aleppo đã trở thành chiến trường giao tranh ác liệt giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy những ngày qua.

Trong khi đó, ngày 30-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một đoàn 20 xe chở quân, các khẩu đội pháo, tên lửa phòng không và xe bọc thép áp sát biên giới Syria như một tín hiệu hỗ trợ quân nổi dậy. Đây là đợt triển khai quân mới nhất trong các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên biên giới hai nước trong những tuần gần đây. Nhiều nguồn tin cho biết, Ankara đang chuẩn bị một thỏa thuận với Washington để can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Syria. Ngay sau động thái này, Iran - đồng minh của Syria - đã lên tiếng cảnh báo Ankara rằng, mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria sẽ vấp phải sự giáng trả khốc liệt và thỏa thuận phòng thủ chung Iran - Syria sẽ được kích hoạt...

Trận chiến ở Aleppo đang diễn ra ác liệt có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai phe ở Syria. Với Damascus, đây là thành phố thương mại, có đông đảo doanh nhân ủng hộ mạnh mẽ chính phủ. Trong khi đó, với quân nổi dậy, Aleppo là "chìa khóa" để lực lượng này viết lại "kịch bản" như tại Benghazi ở Libya trước đây. Lúc đó, với cuộc chiếm giữ Benghazi thành công, quân nổi dậy đã có ngay một đầu cầu chiến lược để nhận hỗ trợ từ bên ngoài và hình thành một căn cứ lãnh đạo "kháng chiến" ở trong nước. Do đó, chiếm và giữ được Aleppo, thành phố gần Thổ Nhĩ Kỳ, quân nổi dậy Syria sẽ có được một vùng đệm lý tưởng để tiếp nhận hỗ trợ từ bên ngoài. Theo nhiều nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập một căn cứ bí mật ở Adana phối hợp với Saudi Arabia và Qatar hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Và trong tuần qua, hàng trăm tay súng nước ngoài đã từ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập để tham chiến tại Aleppo. Ngày 30-7, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố, "các nhóm khủng bố vũ trang được hỗ trợ tiền bạc và vũ khí công khai" từ bên ngoài đã thực hiện những hành động tàn ác nhằm vào dân thường, các cơ sở công cộng ở thủ đô Damascus và biến người dân ở Aleppo thành "lá chắn sống"...

Lo ngại về cuộc chiến đang diễn ra ở Aleppo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, sự hỗ trợ từ bên ngoài cho lực lượng nổi dậy sẽ dẫn tới tình trạng "đẫm máu hơn" và không thể hy vọng chính quyền Damascus chấp nhận nhượng bộ lực lượng nổi dậy. Ngoại trưởng S.Lavrov yêu cầu phương Tây và các nước Arab nỗ lực hơn nữa trong việc gây ảnh hưởng với phe đối lập ở Syria nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Nhưng mong muốn này của Mátxcơva xem ra khó được các bên liên quan hưởng ứng. Ngay trước khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong hôm nay (1-8), ngày 30-7, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Syria, coi đây là một khởi đầu cho các hành động quân sự của phương Tây nhằm vào Syria. Trước đó, Saudi Arabia đã soạn thảo một nghị quyết trình lên Đại hội đồng LHQ, kêu gọi gia tăng trừng phạt Syria. Một âm mưu hành động ngoài khuôn khổ HĐBA LHQ được cho là có thật và đã chín muồi.

Cuộc tranh giành thành phố chiến lược Aleppo đang diễn ra khốc liệt cho thấy cuộc khủng hoảng Syria khó có thể lắng dịu trong những ngày tới. Cho dù ngày 30-7, Bộ Ngoại giao Syria, trong bức thư gửi Chủ tịch HĐBA LHQ và Tổng Thư ký LHQ, đã cam kết tuân thủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên Kofi Annan và khẳng định sẽ không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Syria ngoại trừ sự tham dự của các đại diện cho người dân Syria trong một cuộc đối thoại dân tộc. Thế nhưng, khi nào phe đối lập ở Syria còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ bên ngoài thì những bước đi, dù tích cực đến mấy của Damascus, cũng sẽ vẫn chỉ là "dậm chân tại chỗ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc khủng hoảng Syria: Chiến sự leo thang, chính trường bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.