(HNM) - Căng thẳng tại thủ đô Bangkok 24 giờ qua có nguy cơ đẩy quốc gia Đông Nam Á này rơi tiếp vào vòng xoáy bất ổn mới.
Với quyết tâm lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck bằng mọi giá, thủ lĩnh biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đang không ngừng kêu gọi người biểu tình xuống đường trong hai ngày cuối tuần (21 và 22-12) để gây sức ép.
Những cuộc biểu tình tại Thái Lan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. |
Nhằm ngăn cản không cho cuộc bầu cử diễn ra như dự kiến cũng như thực hiện tham vọng cải cách chính trị Thái Lan, suốt 48 giờ qua, thủ lĩnh Suthep đã huy động hàng nghìn người xuống đường trên nhiều tuyến phố chính ở thủ đô Bangkok với biểu ngữ "Chúng tôi chống tham nhũng" và "Phải tiến hành cải cách trước khi bầu cử". Cho rằng những quy định trong hệ thống bầu cử hiện hành có nhiều lỗ hổng có thể dẫn tới tình trạng gian lận phiếu, thủ lĩnh biểu tình Suthep kêu gọi chỉ có thể tổ chức cuộc bầu cử mới khi một số đạo luật cũng như điều khoản của Hiến pháp được sửa đổi.
Việc thủ lĩnh biểu tình Suthep không ngừng kêu gọi biểu tình để phản đối cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn là điều dễ hiểu. Vì đảng cầm quyền Vì nước Thái (Puea Thai), với đa số quá bán tại Hạ viện, sẽ không quá khó khăn để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Puea Thai cầm quyền đã quyết định chọn nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck và anh rể của bà - cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat - là ứng cử viên số 1 và số 2 trong danh sách đề cử của đảng. Cho dù vấp phải sự phản đối của những người biểu tình, Chính phủ Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 3,38 tỷ baht (khoảng 118 triệu USD) để chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Với sự ủng hộ của tuyệt đại đa số thành viên đảng Puea Thai cầm quyền, đặc biệt đông đảo tầng lớp dân nghèo sống ở các vùng nông thôn, nữ Thủ tướng Yingluck có nhiều cơ hội tiếp tục tại vị. Điều này cũng có nghĩa sẽ đặt dấu chấm hết cho những đòi hỏi vô lý và vi hiến hiện nay của lực lượng biểu tình. Đây là lý do vì sao thủ lĩnh biểu tình Suthep quyết theo đuổi mục tiêu lật đổ nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck đến cùng.
Chưa bao giờ nội các của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck lại đứng trước thời điểm khó khăn như hiện nay, kể từ khi nhậm chức tháng 8-2011. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới có là giải pháp để "hạ nhiệt" căng thẳng trên chính trường đất nước Chùa Vàng hay không vẫn là một ẩn số, đặc biệt, trong bối cảnh đảng Dân chủ (DP) - đảng đối lập chính - vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia cuộc bầu cử hay không. Không chỉ có Puea Thai cầm quyền, DP đối lập cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, bởi nếu không tham gia bầu cử thì uy tín của đảng sẽ giảm sút và các ứng cử viên tiềm năng có thể rời bỏ đảng. Song nếu tham gia, khả năng giành chiến thắng của đảng này trước Puea Thai cầm quyền là hết sức mong manh. Giới phân tích nhận định tình hình hiện nay khác xa so với cuộc tổng tuyển cử năm 2006 khi DP thuyết phục được các đảng liên minh tẩy chay bầu cử và chỉ còn đảng Người Thái yêu người Thái tranh cử. Trong cuộc đua lần này, dù DP đối lập có tẩy chay bầu cử thì cũng tạo ra rất ít tác động, bởi tất cả các đảng nhỏ liên minh đều đăng ký tham gia. Như vậy, DP đối lập sẽ chẳng được gì ngoài "hứa hẹn" sẽ chỉ mất ghế trong Quốc hội. Điều này cũng đồng nghĩa với chiến thắng sẽ thuộc về Puea Thai cầm quyền.
Cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan đã được đẩy tới một giai đoạn mới khi có quá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên tổ chức cuộc tổng tuyển cử đúng thời hạn ngày 2-2-2014 hay không. Tình hình càng trở nên phức tạp và khó đoán định hơn sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) vừa đưa cảnh báo nguy cơ xảy ra bất ổn chính trị là có thể do tổng tuyển cử; đồng thời, đề xuất hoãn bầu cử trong bối cảnh làn sóng biểu tình tại Bangkok chưa hạ nhiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.