Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra suôn sẻ với sự chia sẻ quan điểm cởi mở từ hai phía. Điều này đã mang đến tín hiệu tích cực trong việc hóa giải những nút thắt “nóng” mà khu vực và toàn cầu đang đối mặt.
Được tổ chức tại thành phố Sochi (Nga) bên bờ Biển Đen trong ngày 4-9 (giờ địa phương), cuộc gặp lần này được mô tả là “mang tính xây dựng” và diễn ra trong bối cảnh Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đã hết hạn vào ngày 17-7-2023. Vì thế, không lạ khi mục tiêu hàng đầu trong cuộc gặp là tìm ra lối thoát hợp lý cho thỏa thuận đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu.
Thực tế, trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thắn chia sẻ rằng, việc tái lập hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc hội đàm. Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng chủ động gửi tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục thỏa thuận. Cùng với đó, hàng loạt thỏa thuận song phương giữa hai nước về thương mại, đặc biệt là về khí đốt tự nhiên, cũng đang mong chờ bước tiến mới. Đáng tiếc kỳ vọng lối thoát cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine chưa thể đạt được ngay.
Dù tuyên bố Mátxcơva sẵn sàng quay lại thỏa thuận, thậm chí “trong vòng vài ngày”, nhưng Tổng thống Nga qua các trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh, kịch bản này chỉ xảy ra khi các bên tham gia “thực hiện nghĩa vụ của mình”, với hàm ý phương Tây phải triệt để thực thi các cam kết đã đưa ra. Hiện, Mátxcơva đang có những điều kiện rất cụ thể, trong đó có việc kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nối lại nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp và phụ tùng thay thế, dỡ bỏ lệnh cấm tiếp cận cảng... Dù đây là những yêu cầu không dễ được đáp ứng “một sớm một chiều” nhưng sự cởi mở của Tổng thống Nga về khả năng phục hồi thỏa thuận, cũng như tuyên bố sẵn sàng đàm phán, đã mở ra hy vọng lớn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hết sức vui mừng về diễn biến này, thậm chí tin tưởng việc khôi phục thỏa thuận sẽ sớm diễn ra.
Một vấn đề quan trọng khác được đưa lên bàn thảo luận lần này là việc Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ “sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để giải quyết vấn đề này và đóng vai trò trung gian hòa giải”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga tỏ ra dè dặt, khi cho rằng các thỏa thuận được thực hiện với sự hòa giải của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các văn bản dự thảo đã được thống nhất giữa các phái đoàn Nga và Ukraine từ mùa xuân năm ngoái đến nay chưa có bước tiến mới nào, trong khi Nga “không có cơ hội thảo luận nào” về hàng loạt sáng kiến hòa bình được đề xuất ra từ đó tới nay. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ nỗ lực hòa giải nào.
Tín hiệu tích cực khác với sự ổn định của khu vực cũng xuất hiện khi hai nhà lãnh đạo đề cập tới quan hệ song phương và tái khẳng định tương lai hợp tác bền chặt thông qua thực hiện nhiều dự án kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, nước này sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Nga trong lĩnh vực cung cấp khí đốt tự nhiên.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng hai nước có thể sớm đạt được thỏa thuận về việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới tại thành phố Sinop (Thổ Nhĩ Kỳ). Nếu được hiện thực hóa, các dự án này sẽ giúp tình hình năng lượng trong khu vực ổn định và cân bằng. Những tuyên bố hợp tác chắc nịch đã xóa tan nhiều nghi ngại trước đó về sự rạn nứt quan hệ, nhất là từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thôi phản đối Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhìn chung, dù chưa tạo ra một chuyển biến cụ thể nào nhưng rõ ràng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới đã tạo ra tâm lý tích cực đối với nỗ lực xử lý những vấn đề nóng trong khu vực và toàn cầu. Điều này được minh chứng khi nội dung cuộc gặp được nhiều bên hoan nghênh. Thậm chí, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đánh giá cao nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong việc khôi phục lại Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, đồng thời cho biết Mỹ đang hợp tác với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy tiến trình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.