(HNM) - Sự kiện Mỹ bất ngờ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria, động thái được cho là có thể khiến cuộc nội chiến tại Syria càng thêm thảm khốc đã phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung diễn ra hai ngày 6 và 7-4 tại khu nghỉ mát Mar-a-lago, bang Florida (Mỹ).
Thực tế, thời gian gần đây đã có khá nhiều sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt kể từ khi ông D.Trump trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng luôn được coi là người có quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm Barack Obama trong các vấn đề bất đồng với Trung Quốc, từ chính sách thương mại, tiền tệ, vấn đề Biển Đông đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng hành động của Washington có xu hướng làm leo thang căng thẳng, đồng thời phản đối mạnh mẽ kế hoạch bố trí Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Đặc biệt tình hình bán đảo Triều Tiên và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á được cho là sẽ khiến hai nước không dễ tìm được tiếng nói chung. Tổng thống D.Trump đã không ít lần chỉ trích Trung Quốc hành động chưa đủ cứng rắn nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và kiềm chế chương trình phát triển tên lửa. Phía Mỹ để ngỏ khả năng có hành động mạnh tay hơn.
Một chủ đề khác nóng không kém trong cuộc gặp thượng đỉnh này là chính sách thương mại. Trong chiến dịch tranh cử, ông D.Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ. Ông cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù chưa có hành động gì trong lĩnh vực thuế quan, nhưng chính quyền của ông D.Trump đang tìm cách cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Tuy nhiên, những cái bắt tay cùng những tuyên bố mang tính tích cực đã tạo ra tiến triển trong quan hệ song phương Mỹ - Trung. Hai bên đều hy vọng vượt qua được mâu thuẫn để tìm được đồng thuận trong những vấn đề khác biệt. Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều nhất trí cho rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là vấn đề nghiêm trọng, song hai bên vẫn lảng tránh đề cập cụ thể đến cách thức đối phó với Triều Tiên.
Ông D.Trump kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng Washington có thể sẽ tự giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng Mỹ “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Trước sự quan ngại của ông D.Trump về một “cuộc chiến thương mại”, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất mở rộng hợp tác thông qua các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Như vậy, bất chấp những chia rẽ sâu sắc, Bắc Kinh và Washington đều tỏ ra muốn thiết lập một mối quan hệ tích cực. Với vai trò là hai cường quốc quan trọng hàng đầu thế giới, cuộc gặp này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định phương hướng phát triển ổn định quan hệ Trung - Mỹ trong thời kỳ mới mà còn thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.