Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đời thăng trầm của danh họa “Picasso nước Ấn”

Tuấn Minh| 12/06/2011 06:06

(HNM) - Họa sĩ đương đại nổi tiếng nhất của Ấn Độ Maqbool Fida Husain  vừa qua đời cuối tuần qua, ở tuổi 96, sau một cơn đau tim tại Bệnh viện Hoàng gia Brompton ở thủ đô London (Anh).

Từng được Tạp chí Forbes của Mỹ đánh giá là "Picasso của Ấn Độ", với nhiều bức tranh được bán tại các nhà đấu giá nổi tiếng thế giới trị giá hàng triệu USD, nhưng cuộc đời của danh họa này cũng đã trải qua không ít thăng trầm ngay từ khi sinh ra cho đến những ngày cuối đời.

Họa sĩ đương đại nổi tiếng nhưng cũng nhiều thăng trầm của Ấn Độ Maqbool Fida Husain.


M.Husain lớn lên ở thành phố Mumbai, khởi đầu sự nghiệp bằng vẽ pa nô quảng cáo phim ảnh cho hãng Bollywood. M.Husain bắt đầu nổi tiếng từ cuối những năm 1940 và 7 năm sau đó gia nhập nhóm họa sĩ trẻ cấp tiến, gây được sự chú ý trên thế giới. Năm 1952, tranh của M.Husain được triển lãm tại Thụy Sĩ, rồi các nước châu Âu khác và ở Mỹ. Năm 1971, M.Husain là khách mời cùng với danh họa nổi tiếng thế giới Pablo Picasso tại Hội chợ mỹ thuật lưỡng niên Sao Paolo.

Không chỉ là họa sĩ được tán dương nhiều nhất của Ấn Độ, M.Husain còn trở thành họa sĩ có tranh được bán với giá cao nhất trong lịch sử mỹ thuật nước này. Việc sở hữu các bức tranh của ông được tầng lớp giàu có ở Ấn Độ coi như không thể thiếu. Năm 2008, tác phẩm "Trận chiến giữa Ganga và Jamuna: Mahabharata 12" lấy cảm hứng từ sử thi Ấn Độ Mahabharata được bán với giá 1,6 triệu USD tại nhà đấu giá Christie's ở New York (Mỹ). Năm 2009, một bức tranh của ông đạt mức giá kỷ lục 2 triệu USD cũng tại nhà Christie's. Không chỉ vẽ tranh, M.Husain còn là nhà làm phim tài năng, với bộ phim đầu tiên "Qua mắt nhìn một họa sĩ" đã đoạt Giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 1967.

Nổi tiếng là thế nhưng M.Husain cũng là họa sĩ gây tranh cãi nhiều nhất tại Ấn Độ, bởi ông đã vẽ một số bức tranh mô tả các vị thần Ấn giáo trong tư thế khỏa thân. Với ông, trạng thái khỏa thân tượng trưng cho sự tinh khiết và nhiều lần nhấn mạnh nghệ thuật không nhằm mục đích xúc phạm hay báng bổ tôn giáo, song nhiều tổ chức Ấn giáo đã kiện ông ra tòa. Không dừng lại ở đó, năm 1998, nhà riêng của ông còn bị tấn công, nhiều tác phẩm bị hủy hoại, các chủ gallery có ý định trưng bày tác phẩm của ông bị đe dọa.

Tháng 2-2006, tác phẩm "Mẹ Ấn Độ" của ông thể hiện nữ thần Bharatmata trong tư thế khỏa thân đã gây ra sóng gió trong dư luận, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng của họa sĩ nổi tiếng này. Sau đó, M.Husain phải rời quê hương sống lưu vong ở Dubai, Qatar và London (Anh) đến khi qua đời, sau khi một tổ chức Ấn giáo xuyên quốc gia tuyên bố treo giải thưởng 11,5 triệu USD cho ai giết được ông.

Ngày 26-3-2010, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã không đồng ý bãi bỏ vụ tố tụng hình sự đối với M.Husain khi những người Ấn giáo cực đoan tiếp tục kiện ông về tội báng bổ tôn giáo xuất phát từ những tác phẩm hội họa. Quyết định này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi M.Husain tuyên bố không giữ quốc tịch Ấn để được nhận quốc tịch Qatar. Ông cho biết không hối tiếc về quyết định này bởi đó là cách duy nhất khiến ông có thể tiếp tục làm việc. "Ở tuổi 40, tôi đã có thể chiến đấu đến cùng, nhưng giờ tôi chỉ muốn tập trung vào công việc. Tôi là một họa
sĩ gốc Ấn và tôi sẽ vẫn như thế cho đến hơi thở cuối cùng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời thăng trầm của danh họa “Picasso nước Ấn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.