(HNM) - Thị trường dầu mỏ đã có những chuyển động đúng như dự đoán của giới đầu tư. Ngay trước ngày 1-7, thời điểm lệnh cấm vận dầu mỏ Iran của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực, giá dầu đã chốt tuần với phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 12-3-2009.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran bị ảnh hưởng nhiều nhất sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và các đồng minh Châu Âu. |
Cuộc đối đầu dầu mỏ giữa Tehran và EU đã chính thức được đánh dấu hôm nay (1-7), nhưng sóng gió đã nổi lên từ đầu năm khi EU tuyên bố sẽ ngừng nhập dầu từ Iran và trừng phạt các quốc gia nhập dầu của Tehran kể từ sau ngày 1-7. Hành động này được xem là tối hậu thư đáp trả sự kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo. Dầu thô đã trải qua những ngày bị "thổi giá" khi chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng tỏ ra cứng rắn không kém với tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz hiện là cung đường vận chuyển đến 20% lượng dầu của thế giới. Cuộc đối đầu "dầu mỏ" dường như lắng dịu sau đó do cuộc gắng sức vượt khủng hoảng đầy trắc trở của Châu Âu. Đây chính là nhân tố đẩy giá dầu vào vòng xoáy suy giảm suốt thời gian qua. Cùng với đó, việc Châu Âu chuẩn bị các phương án dự phòng để thay thế 6% số dầu mỏ nhập khẩu từ Iran cũng đã khiến sự căng thẳng trên thị trường dầu toàn cầu giảm bớt. Có tới 70% lượng dầu thiếu hụt sau sự vắng bóng của các thùng dầu Iran tại Châu Âu đã được bù đắp mà không gặp quá nhiều khó khăn. Mối quan ngại về một cuộc chiến năng lượng ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới đã gần như bị loại bỏ.
Do đó, đến thời điểm này, Iran nói chung và ngành dầu mỏ nước này nói riêng sẽ là đối tượng phải gánh phần thiệt thòi nhiều hơn từ lệnh cấm vận của phương Tây. EU không hề tỏ ra nhượng bộ trong chiến lược siết chặt nguồn tài chính với đất nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Quyết định áp dụng đầy đủ lệnh cấm từ nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của nước cộng hòa Hồi giáo vừa được chính thức thông qua vài ngày trước đây một lần nữa tái khẳng định lập trường không thỏa hiệp của EU.
Tham gia "cuộc chiến" tổng lực buộc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân, Mỹ cũng vừa thông báo sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các định chế tài chính tại những quốc gia còn nhập khẩu dầu thô của Iran. Bất kỳ một cơ quan tài chính nào bị phát hiện có giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran sẽ lập tức bị "cấm cửa" tại Mỹ. Khó khăn của Iran còn nằm ở chỗ nhiều khách hàng truyền thống của nước này sẽ khó có lựa chọn khác nếu không muốn đối đầu với phương Tây. Hàn Quốc đã trở thành đối tác lớn nhất đầu tiên của Tehran tại Châu Á tuyên bố chấm dứt nhập dầu Iran.
Do vậy, dù thời hạn 1-7 đã góp phần làm nổi sóng trên thị trường dầu mỏ đang trầm lắng nhưng sẽ không là nhân tố có thể quyết định sự điều chỉnh của giá dầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, với Iran, một giai đoạn khó khăn hơn đã bắt đầu. Khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ nằm lại trong các kho dầu của Tehran kể từ lúc lệnh cấm vận toàn diện có hiệu lực. Rõ ràng, với chiều hướng này không chỉ 20% lượng dầu Iran bán cho Châu Âu không thể di chuyển mà một khi có nhiều khách hàng buộc phải "can dự" vào cuộc đối đầu dầu lửa - hạt nhân này, nguồn ngoại tệ của quốc gia Hồi giáo vốn đến chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ bị thu hẹp. Vòng vây của Mỹ và EU với Tehran đang siết chặt. Cuộc chiến "tài chính" tổng lực với dầu mỏ là lực lượng mũi nhọn liệu có dẫn tới một giải pháp tích cực nhằm khơi thông bế tắc trên bàn đàm phán hạt nhân giữa các bên liên quan với Iran? Vào lúc này, câu trả lời vẫn là ẩn số không xác định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.