(HNM) - Tại diễn đàn
Khách hàng đăng ký sử dụng mạng di động của Viettel. Ảnh: Thanh Hải |
Frost & Sullivan đưa ra dẫn chứng, cước di động của Ấn Độ hiện chỉ còn dưới 1 cent/phút (gần 200 đồng/phút), ở Indonesia cước còn thấp hơn… Trong khi đó, cước di động của Việt Nam khoảng 800 đồng/phút. Số lượng phút gọi trung bình của mỗi người dân Việt Nam hiện ở mức thấp là 120-150 phút/tháng; Thái Lan, Indonesia là 250 phút/tháng, Ấn Độ là 400 phút/tháng… Với những dẫn chứng như vậy, Frost & Sullivan kết luận, nếu các nhà cung cấp dịch vụ di động Việt Nam tiếp tục giảm cước sẽ không chỉ thu hút người sử dụng tại nông thôn, người có thu nhập thấp, mà còn giúp tăng lưu lượng cuộc gọi.
Cách đây hơn một tháng, vào thời điểm các nhà mạng giảm cước di động, đại diện Bộ TT-TT nhận định, nếu các doanh nghiệp cân đối được chi phí, doanh thu thì có thể tiếp tục giảm cước trong năm 2010. Tuy nhiên, mức giảm không thể thấp hơn giá thành dịch vụ và nhà mạng phải lựa chọn thời điểm thích hợp để giảm cước cùng với việc bảo đảm sẵn sàng về hạ tầng, chất lượng dịch vụ.
Với những phân tích như trên, có thể nhận định, cước di động trong nước tiếp tục giảm. Việc lâu nay có ý kiến cho rằng giá cước di động tại Việt Nam đang thuộc hàng "hấp dẫn" nhất khu vực, có hiện tượng phá giá… là chưa chính xác! Bởi có một thực tế là cho dù nhiều chuyên gia viễn thông nhận định, thị trường viễn thông đang ở ngưỡng bão hòa, khó thu hút và phát triển thuê bao mới, thì vẫn có doanh nghiệp nộp đơn đăng ký gia nhập thị trường này. Không ít nhà mạng mới gặp nhiều khó khăn trong phát triển thuê bao nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ…
Thị trường viễn thông nước ta đang tồn tại nghịch lý thuê bao tăng trưởng cao nhưng doanh thu lại giảm (số lượng thuê bao điện thoại theo thống kê hiện gần gấp hai lần số dân, nhưng doanh thu bình quân/thuê bao liên tiếp giảm). Điều này cho thấy, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp thay vì chú trọng chăm sóc khách hàng bằng giảm cước thì lại triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Để thu hút thuê bao mới, họ đua nhau bán bộ kít hòa mạng giá 50.000-75.000 đồng/bộ và giá trị trong tài khoản đã kích hoạt sẵn có số tiền gấp 3 lần giá trị bộ kít. Ngay cả khi Bộ TT-TT chỉ đạo hạn chế khuyến mãi, thị trường vẫn tràn ngập sim bán đúng mệnh giá nhưng có tài khoản lớn. Nhiều người tận dụng cơ hội này bỏ vài chục nghìn mua sim để được gọi thoải mái, sau đó bỏ đi, gây ra tình trạng tăng lượng thuê bao ảo, lãng phí tài nguyên kho số. Cùng những "lỗ hổng" trong quản lý đăng ký thông tin thuê bao trả trước, vấn nạn này còn kéo theo một loạt hiện tượng tác động xấu đến xã hội như sử dụng sim gửi tin nhắn rác, quấy rối, trộm cắp cước viễn thông…
Vì vậy, nếu cước di động tiếp tục giảm và giảm tương đương với một số nước trong khu vực, người sử dụng sẽ được lợi và các nhà mạng sẽ hết đua khuyến mãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.