Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Cuộc chơi'' sáng tạo bìa sách: Góp phần thúc đẩy văn hóa đọc

Hạ Yến| 07/08/2022 06:06

(HNMCT) - Với cuộc cách mạng số, nghệ thuật trình bày sách những năm gần đây như được chắp cánh, mở ra những chân trời sáng tạo mới, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của ngành Xuất bản. Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu ý kiến của một số họa sĩ, đại diện đơn vị xuất bản về bìa sách đẹp, bìa sách tốt.

Một buổi chia sẻ với độc giả về thiết kế bìa sách của NXB Phụ nữ.

Họa sĩ Kim Duẩn:
Luôn cần sự vận động, thay đổi trong sáng tạo

Thế nào là một bìa sách đẹp? Có nhiều ý kiến về vấn đề này. Theo tôi, một bìa sách được cho là thành công thì phải bảo đảm hai yếu tố: Độ hấp dẫn về mặt hình thức, tạo ấn tượng ban đầu và sự tương đồng, hài hòa với tinh thần, nội dung cuốn sách.

Bìa sách đẹp sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Hiểu một cách đơn giản như khi chúng ta đi hiệu sách mà chưa biết chọn sách gì, thì một bìa sách đẹp sẽ thu hút chúng ta, khiến chúng ta đưa ra quyết định có mua hay không. Bìa sách của Việt Nam trong những năm gần đây tính thẩm mỹ ngày càng cao do trình độ thẩm mỹ và yêu cầu ngày càng cao của người đọc đòi hỏi các bìa sách phải được thiết kế công phu hơn. Những họa sĩ muốn gắn bó với nghề, bởi thế, cũng luôn cần sự vận động, thay đổi trong sáng tạo để chuyển mình kịp với xu thế chung.

Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng:
Đưa nghệ thuật bìa sách ra với công chúng

Bìa sách khi chạm được vào niềm yêu thích của độc giả thì có khi chưa cần biết nội dung như thế nào, người ta đã quyết định có đọc nó hay không. Một bìa sách hài hòa phải thể hiện được thông điệp tác phẩm và khiến tác giả hài lòng, đồng thời phù hợp với thị hiếu của số đông độc giả.

Thực tế, sự phát triển của nghệ thuật bìa sách những năm qua cũng theo “trend” ở từng giai đoạn, có thời kỳ chỉ “chơi” toàn chữ, hay hiện nay là xu hướng minh họa. Có những tác phẩm chúng tôi duy trì song song hai phiên bản bìa bởi mỗi bìa lại nhận được sự yêu thích của các nhóm độc giả khác nhau.

Nghệ thuật bìa sách và những câu chuyện bếp núc, hậu trường luôn có nhiều điều thú vị, do đó chúng ta cần đưa nghệ thuật bìa sách ra với công chúng để không chỉ những người trong ngành Xuất bản mà bạn đọc nói chung quan tâm đến bìa sách đều có thể tiếp cận. Để ngành công nghiệp xuất bản phát triển, thì các đơn vị xuất bản không chỉ đầu tư về mặt nội dung mà còn phải quan tâm đầu tư về hình thức, về truyền thông...

Họa sĩ Lê Tiến Vượng:
Đặt mình vào vị trí người mua sách

Hằng năm, Hiệp hội Xuất bản Việt Nam đều có tổ chức bình chọn giải thưởng quốc gia dành cho các tác giả viết, biên tập cho các cuốn sách hay, sách bán chạy nhất. Nhưng chưa có một triển lãm nào, một cuộc hội thảo nào được tổ chức để ghi nhận và tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách... Trong khi thực tế mỗi bìa sách là một bức tranh thu nhỏ. Ngoài chức năng là “chiếc áo” bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách còn là bộ thời trang dẫn dụ bạn đọc bước vào tác phẩm.

Một tác phẩm bìa sách vừa là một sự diễn giải, diễn ngôn, vừa là một bản ngôn ngữ viết chuyển sang ngôn ngữ hình ảnh, hoặc tưởng tượng... Họa sĩ thiết kế bìa bằng khả năng sáng tạo của mình luôn truyền tải những điều mới mẻ, độc đáo, khác biệt của tác phẩm để người đọc qua đó nhận ra cuốn sách mình cần.

Để có được một tác phẩm bìa sách đúng, trúng, đẹp, người họa sĩ cần phải hiểu sâu, hiểu rộng về đối tượng, thị trường mà mình hướng tới. Trước một cuốn sách chuẩn bị được xuất bản, họa sĩ cần đọc để hiểu nội dung cuốn sách, cần đặt câu hỏi rằng cuốn sách dành cho ai, lứa tuổi nào, cuốn sách sẽ được bán ở đâu, tâm lý người mua thế nào... Thậm chí, họa sĩ phải biết đặt mình vào vị trí người mua để sáng tạo những trang bìa thỏa mãn nhu cầu độc giả và góp phần nâng tầm giá trị cuốn sách.

Họa sĩ Lê Huy Văn:
Bìa sách tốt phải có tiêu chuẩn “3D”: Đúng - đẹp - độc

Đã từ lâu bìa sách là những tác phẩm nghệ thuật thầm lặng phục vụ nhu cầu đọc của hàng triệu con người. Nói đến sự phát triển của nghệ thuật bìa sách Việt Nam không thể không nói đến tầm quan trọng của một vòng tròn tương hỗ giữa đào tạo - sản xuất - in ấn - nhà xuất bản và nghệ sĩ thiết kế đồ họa. Đó là mô hình kinh điển cho đến nay thế giới vẫn sử dụng.

Nghệ thuật trình bày bìa sách khác với đồ họa giá vẽ là ở chỗ bao giờ nó cũng gắn liền với một nhiệm vụ cụ thể - thông qua một hợp đồng công việc. Bởi không một nghệ sĩ nào lại ngẫu hứng vẽ một cái bìa sách chỉ nhỏ bằng bàn tay cho vui. Giống như trong kiến trúc, họa sĩ thiết kế bìa sách sáng tác trên cơ sở lập kế hoạch, sáng tạo theo một nội dung cụ thể, tuân thủ công nghệ sản xuất và yêu cầu của nhà xuất bản, kể cả lấy nguồn cảm hứng theo sở trường riêng để cho sản phẩm thiết kế của mình có hiệu quả nhất bằng ngôn ngữ tạo hình. Cho nên vẻ đẹp của một bìa sách là kết quả hiệp tác của sự liên kết giữa kỹ thuật với mỹ thuật, cái này làm nền cho cái kia và ngược lại.

Một bìa sách tốt phải có tiêu chuẩn “3D”. Đó là đúng - đẹp - độc. Chuyển tải chính xác nội dung là đúng. Tạo nên rung cảm là đẹp. Dấu ấn cá nhân độc đáo không trùng lắp với các thiết kế khác là độc. Nghệ thuật bìa sách dùng các phương tiện nghệ thuật (cơ bản là đồ họa) để tạo cho cuốn sách một hình thức đẹp, hài hòa phù hợp với nội dung, với mục tiêu và đối tượng phục vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Cuộc chơi'' sáng tạo bìa sách: Góp phần thúc đẩy văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.