Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chơi của ánh sáng và bóng tối

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 14/08/2022 08:22

(HNMCT) - Trên thế giới, việc sử dụng nghệ thuật sắp đặt kết hợp với ánh sáng để chuyển tải ý đồ đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện, còn nghệ thuật điêu khắc đã xuất hiện trong đời sống của con người từ rất lâu rồi. Cho đến nay, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng còn xa lạ với đa số. Vậy mà, có một chàng trai 30 tuổi đã chọn con đường lạ lẫm ấy nhằm thỏa mãn sức sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật...

Nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự bên các tác phẩm điêu khắc ánh sáng của mình.

Người kể chuyện bằng bóng hình và ánh sáng

Chàng trai trẻ ấy là Bùi Văn Tự, sinh năm 1992, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt. Sinh ra và lớn lên ở Nho Quan (Ninh Bình), chỉ sau một lần đi du lịch đến Làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), chàng kỹ sư xây dựng trẻ ấy đã bị “cảm nắng” và chọn ở lại học nghề, lập nghiệp, thay vì tiếp tục việc làm ổn định tại một cơ quan nhà nước. 

Người thầy đầu tiên chỉ dạy cho Bùi Văn Tự kiến thức cơ bản của nghề gốm là một nghệ nhân có trình độ uyên thâm nhưng kín tiếng ở làng Bát Tràng. Nhờ vốn kiến thức, niềm đam mê hội họa, điêu khắc tự học từ nhỏ, chỉ mất 3 ngày, Bùi Văn Tự đã nắm vững cách làm và có thể nặn, vuốt các loại bình, ấm, lọ hoa... Năm 2020, Bùi Văn Tự khởi nghiệp với những tác phẩm độc đáo, được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo: Điêu khắc ánh sáng. 

Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là cuộc chơi trên phần bóng của mỗi vật thể với một nguồn sáng cố định. Dưới sự chiếu rọi của ánh đèn, những chiếc bóng xuất hiện cùng câu chuyện và nhân vật. 

Hầu hết các tác phẩm của nghệ nhân Bùi Văn Tự được trưng bày tại Hương Sa Art House đặt trên tầng 5 của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt mang chủ đề về Phật giáo và khắc họa chân dung các danh nhân văn hóa - lịch sử cùng các nhân vật nổi tiếng như Đức Phật, Bồ Đề Đạt Ma, Hưng Đạo Đại vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Trong không gian thanh tịnh, tách biệt với không khí sản xuất, giao thương náo nhiệt của làng nghề, chỉ có ở khu vực thiền trà và các tác phẩm điêu khắc ánh sáng, du khách tìm lại được những giây phút an tĩnh bên các tác phẩm được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo.

Đầu tiên, bước vào Hương Sa Art House, du khách bắt gặp phiến gỗ gù hương có bề ngang 1,2m, chiều cao 60cm xù xì, thủng lỗ chỗ được chạm khắc hình ảnh một ngôi chùa 3 tầng mái nép dưới chân núi. Tuy nhiên, đó mới là phần nổi. Khi nghệ nhân Bùi Văn Tự bật đèn chiếu, ánh sáng chạy qua phiến gỗ từ một góc định sẵn, rọi thẳng lên màn chiếu trên tường. Từ đây dần hiện lên hình ảnh một chú tiểu chắp tay cung kính trước Đức Phật từ bi. Xung quanh là khung cảnh núi non trùng điệp. Các nhân vật cùng những dãy núi xa, gần được thể hiện thành nhiều lớp lang tạo nên chiều sâu cho bức tranh. Tác phẩm mang vẻ đẹp sâu lắng như bức tranh thủy mặc. Chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm mang tên “Ánh sáng giác ngộ” này, nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết: “Phật không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm mỗi chúng ta. Tác phẩm này được thể hiện qua 4 lớp, chiếu rọi bởi 3 đèn để tạo ra 3 lớp núi phía sau đầy sinh động và có chiều sâu”. 

Bùi Văn Tự luôn sáng tạo các tác phẩm của mình dựa trên nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Cái tài của anh là từ những khúc gỗ, hòn đá vô tri vô giác mà thể hiện ý tưởng của mình. Như tác phẩm “Dòng máu lạc hồng”, chỉ từ việc chiếu đèn qua một chiếc trống đồng và chim bồ câu - biểu tượng hòa bình mà hiện lên hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cười thật tươi. 

Thông thường, để thực hiện một tác phẩm, Bùi Văn Tự mất từ 1 đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện. “Một tác phẩm điêu khắc ánh sáng luôn dựa trên 3 trường phái: Trường phái điêu khắc truyền thống trên chất liệu gỗ, gốm, đá; thứ hai là điêu khắc bằng ánh sáng và cuối cùng là điêu khắc bằng ngôn ngữ để tạo thành nội dung tác phẩm. Các trường phái này sẽ giúp tác phẩm trở nên hoàn hảo, truyền tải được ý tưởng, tư duy nghệ thuật và những thông điệp của tác giả” - nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ.

Lan tỏa niềm đam mê khoa học và nghệ thuật

Nghệ thuật điêu khắc đòi hỏi nghệ sĩ ngoài những kiến thức hội họa căn bản còn là sức sáng tạo, tư duy khác biệt và đôi tay khéo léo. Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, truyền thần, nghệ thuật sắp đặt, cùng tình yêu với thi ca, văn hóa - lịch sử. Là con người tài hoa và hội tụ đủ những yếu tố ấy nên các tác phẩm của Bùi Văn Tự đều toát lên thần thái riêng đầy sinh động, phản ánh đúng nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Muốn làm được điều đó, người sáng tác phải giỏi nghề truyền thần, phải tìm hiểu và đọc kỹ câu chuyện của các nhân vật để làm nổi bật nét tính cách và quan điểm tư tưởng của họ chứ không đơn thuần sao chép một bức tranh, ảnh. Hơn nữa, theo nghệ nhân Bùi Minh Tự, cần có khả năng nhìn trước tương lai của tác phẩm thông qua nền tảng kiến thức và sự thấu hiểu đặc tính của nguyên liệu để từ đó sáng tác, tạo hình theo ý muốn của tác giả.

Không dừng lại ở việc khắc họa chân dung các nhân vật nổi tiếng, Bùi Văn Tự đang bắt tay thực hiện triển lãm giáo dục “Thế giới của những thiên tài”, dự kiến ra mắt vào cuối tháng 8 này. Điều khác biệt là tại triển lãm này, vật thể trình chiếu đều là các vật liệu tái chế hoặc những vật dụng có liên quan đến nhân vật là các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Thomas Edison, Archimedes... Khó có thể hình dung, chỉ từ những chiếc bóng đèn sợi đốt, công tơ, cầu chì - những thứ mà nhà bác học Thomas Edison đã phát minh - lại có thể sắp xếp để khi chiếu đèn làm nổi lên chân dung của ông. Hay để khắc họa chân dung nhà bác học Archimedes, người nổi tiếng với câu nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả Trái đất lên” và định luật về đòn bẩy, nghệ nhân Bùi Văn Tự sẽ sắp đặt 1 quả địa cầu cùng các vật ứng dụng lực đòn bẩy như búa, bấm móng tay, dụng cụ mở bia. Khi ánh đèn chiếu qua, khách tham quan tự tay nâng quả địa cầu lên, hình ảnh nhà bác học Archimedes hiện ra một cách ngoạn mục.

Chia sẻ về triển lãm này, nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết: “Tôi thực hiện dự án này với mong muốn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ, qua đó giúp họ hình dung rõ hơn về các nhà khoa học vĩ đại và những đóng góp của họ cho nhân loại. Bên cạnh đó, việc thực hiện bằng các nguyên liệu tái chế cũng là thông điệp về bảo vệ môi trường mà tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ, để các bạn nâng cao ý thức giữ gìn Trái đất xanh”. Dự án này sẽ được tiếp tục với quy mô lớn hơn ở một khu du lịch hoặc trang trại giáo dục mà nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự đang ấp ủ thực hiện. “Tôi đang khảo sát 3 địa điểm, có thể dự án này sẽ được triển khai tại Hà Nội hoặc Ninh Bình nhằm mang lại cho học sinh một khu tổ hợp giáo dục kết hợp với không gian thiên nhiên lý tưởng, để các em tham quan, học tập, trải nghiệm và tìm hiểu những câu chuyện về khoa học, giáo dục. Dự kiến, năm sau khu này sẽ đi vào hoạt động” - anh Tự cho biết. 

Hy vọng, những dự định, tâm huyết của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự sẽ trở thành hiện thực, để tình yêu với nghệ thuật, niềm say mê nghiên cứu khoa học của anh ngày càng lan tỏa đến các bạn trẻ. Đồng thời, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chơi của ánh sáng và bóng tối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.