Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến sống còn

Vân Khanh| 06/08/2012 07:07

(HNM) - Sau nhiều cuộc tiếp sức từ các định chế tài chính Châu Âu và quốc tế, đến nay Hy Lạp vẫn là mắt xích yếu nhất của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone).


Lần đầu tiên, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã phải đứng ra bảo lãnh để Hy Lạp có thể vay khẩn cấp 4 tỷ euro trong khi chờ đợi khoản cứu trợ đã được ba chủ nợ ECB, Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết.

Động thái này cực kỳ có ý nghĩa với Athens trong thời điểm hiện nay khi giúp xứ sở Thần thoại huy động được thêm 3 tỷ euro tín dụng nữa nhằm tránh nguy cơ mất thanh khoản hoàn toàn. Trên thực tế, nếu không có sự hỗ trợ cần thiết của ECB, Hy Lạp thậm chí không thể cầm cự được đến tháng 9 tới vì các khoản nợ đáo hạn cần phải trả ngay trong tháng này. Chưa từng có sự can thiệp tương tự trong quá khứ và khẳng định sẽ không dang tay với bất kỳ thành viên nào nữa của Eurozone trong tương lai, quyết định bất ngờ của định chế tài chính lớn nhất Châu Âu một lần nữa cho thấy "bệnh tình" của Hy Lạp thực sự chưa có tiến triển lạc quan nào.


Đến nay, Châu Âu cùng IMF đã chung tay thông qua hai gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 380 tỷ euro, được chia thành nhiều giai đoạn. Thế nhưng, những chuyển động chậm chạp để "thoát nợ" đã khiến Athens được ví như quả bom nổ chậm của Eurozone. Nền kinh tế được dự báo sẽ bước vào năm thứ 5 suy thoái liên tiếp với mức còn thấp hơn dự đoán âm 6,9% đang làm cả Châu Âu ngao ngán. Cú đi giật lùi tiếp diễn không những làm xứ sở Thần thoại gặp khó trong thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" như đã định mà còn là lời nhắc nhở Châu Âu rằng sẽ còn lâu Hy Lạp mới có thể tự lực cánh sinh. Cảnh báo khả năng đất nước của các vị thần phải rời Eurozone trong vòng 12 đến 18 tháng tới đã nhảy từ mức 50%-70% vài tháng trước lên 90% của Citigroup trong những ngày gần đây đã vẽ nên viễn cảnh thật u ám cho Lục địa già. Dù chưa thể xem các cảnh báo là khẳng định, nhưng đánh giá của đế chế tài chính uy tín này hoàn toàn không phải chỉ là "lời nói gió bay".

Trong điều kiện đất nước của các vị thần vẫn chưa qua cơn nguy khốn và nhiều trụ cột khác như: Tây Ban Nha hay Italia tiếp tục gửi đi những cảnh báo "nóng", Eurozone vẫn như đang trong cơn mơ ngủ. Cho đến nay, cả Madrid và Rome đều một mực tuyên bố chưa cần đến cứu trợ toàn diện. Nhưng, những diễn biến ở cả hai nền kinh tế quan trọng của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới lại chưa thể thuyết phục dư luận niềm tin đó. Ngay sau khi Moody's hạ tín nhiệm chính phủ 2 bậc từ A3 xuống Baa2, 13 thể chế tài chính Italia, trong đó có cả những đại gia ngân hàng như Intesa Sanpaolo và Unicredit cũng bị tụt hạng xuống tiêu cực. Vùng tự trị Sicily đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ với khoản nợ công chừng 5 tỷ euro trên vai và lãi suất hằng năm từ 500 đến 600 triệu euro đã nâng cấp mối lo ngại của Châu Âu với nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone. Chi phí vay mượn ngày càng tăng cao, tỷ lệ nghịch với lòng tin của các nhà đầu tư toàn cầu đã và đang phản ánh một thực tế không vui là Tây Ban Nha và Italia cần được sự "chăm sóc" nhiều hơn từ Châu Âu.

Đã gần hai năm rưỡi kể từ ngày Hy Lạp tạo nên cú sốc chưa từng thấy cho Châu Âu bằng khủng hoảng nợ công, biến cố chưa có tiền lệ này thậm chí đã thành một cơn bão bủa vây Lục địa già. Sự quỵ ngã liên tiếp của những thành viên tiếp theo trên vết xe đổ mà Athens để lại đã không ít lần đẩy Eurozone tới gần bờ vực tan vỡ. Lời cam kết mới đây của Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ bằng mọi cách bảo vệ sự sống cho đồng euro đã đôi chút làm vợi bớt lo lắng trên thị trường toàn cầu với Châu Âu. Mặc dù vậy, cơn khủng hoảng chưa qua vẫn như chiếc hố đen khổng lồ đang nuốt dần Châu Âu vào vòng xoáy khó khăn. Để chiến thắng sức hút nợ nần đầy ma lực này, Lục địa già đang thực sự đối diện với một cuộc chiến sống còn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến sống còn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.