(HNM) - Mấy ngày qua, quan hệ Anh - Ecuador
Cảnh sát Anh bao vây bên ngoài Đại sứ quán Ecuador ở London chờ cơ hội bắt ông chủ của trang mạng WikiLeaks. |
Căng thẳng quan hệ Ecuador - Anh phát sinh từ thời điểm nhà báo người Australia này bước chân vào Ðại sứ quán Ecuador ở London và xin tị nạn hồi tháng 6, sau khi bị thua trong cuộc chiến chống lệnh dẫn độ sang Thụy Điển để đối mặt với các cáo buộc hiếp dâm. J.Assange sợ rằng sau dẫn độ sẽ bị chuyển giao cho phía Mỹ để xét xử tội gián điệp, do trang web của nhân vật này đã tiết lộ 250.000 bức điện mật ngoại giao của Mỹ từng làm Nhà trắng lâm vào bối rối. Lúc đầu, Ecuador cũng lưỡng lự trước cầu xin tị nạn của J.Assange; nhưng sau đó, cuộc ráo riết truy tìm và bắt giữ của Anh cũng như mối quan tâm của Mỹ, Thụy Điển với nhân vật này, nên ngày 16-8, Ecuador đã tuyên bố chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị với lý do, các quyền con người của J.Assange có nguy cơ bị vi phạm, nếu bị dẫn độ từ Anh sang Thụy Điển.
Hành động của quốc gia Nam Mỹ đã làm Anh nổi giận và châm ngòi một "cuộc chiến ngoại giao" xuyên Đại Tây Dương. Hiện tại, cảnh sát Anh đã được lệnh bao vây, phong tỏa các tuyến đường ra vào Đại sứ quán Ecuador tại London. Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố, theo luật của Anh, cảnh sát sở tại sẽ tìm mọi cách bắt giữ J.Assange để dẫn độ về Thụy Điển. Quyết định của Ecuador cũng gây phẫn nộ cho chính quyền Thụy Điển, nước muốn dẫn độ J.Assange để điều tra vụ hai phụ nữ Thụy Điển cáo buộc bị tấn công tình dục trong chuyến J.Assange đến nước này năm 2010.
Đáp lại những tuyên bố và hành động mạnh mẽ từ London, Ecuador khẳng định không sợ hãi hay chùn bước trước bất kỳ sự đe dọa nào. Giải thích việc cho phép J.Assange tị nạn chính trị, Ngoại trưởng Ecuador Ricard Patino trong một tuyên bố được phát sóng trực tiếp trên cả Nam và Bắc Mỹ cho biết, chính quyền Quito lo ngại Chính phủ Anh không thể bảo vệ ông chủ WikiLeaks khỏi bị ngược đãi nếu bị dẫn độ sang Thụy Điển hoặc sang Mỹ. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng khẳng định J.Assange có thể tạm trú tại đại sứ quán nước này chừng nào Chính phủ Anh không đưa ra một hướng giải quyết "an toàn và hợp lý" với ông chủ WikiLeaks.
Trong khi đó, ngày 17-8, đại sứ các nước thuộc Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) đã có cuộc họp khẩn cấp thảo luận về căng thẳng ngoại giao Anh - Ecuador. Tại cuộc họp bất thường này, các đại sứ của 23 nước thành viên OAS đã bỏ phiếu nhất trí sẽ triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của tổ chức vào ngày 24-8 tới để đưa ra một lập trường chung sau khi có tin chính phủ Anh đe dọa tấn công Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ J.Assange. Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington không tham gia Công ước OAS năm 1954 về quy chế cấp tị nạn ngoại giao và không công nhận quy chế này như một điều luật quốc tế. Theo bà Nuland, OAS không nên tham gia vào vụ việc này bởi đây là vấn đề riêng giữa Anh và Ecuador.
Sau khi J.Assange được Ecuador trao quy chế tị nạn, những người ủng hộ nhân vật này tại London đã mở cuộc tuần hành và hoan hô vang dội bên ngoài tòa đại sứ Ecuador. Nhưng, tất cả xem ra khó cải thiện nhiều hơn cho tình thế hiện tại của ông chủ WikiLeaks. Bởi, dù có giành được quy chế tị nạn chính trị, nhưng Ecuador cũng nói rằng họ sẽ không cung cấp sự bảo vệ pháp lý cho người được trao quy chế. Tòa đại sứ Ecuador tại London chưa bao giờ lại bị giám sát chặt chẽ như hiện nay. Đây là điều chưa từng có trong quan hệ Anh - Ecuador. Và, cuộc khủng hoảng ngoại giao hy hữu này vẫn chưa có dấu hiệu được khai thông
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.