Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến “một mất một còn”

Thùy Dương| 01/06/2012 06:34

(HNM) - Cựu Thống đốc Mitt Romney cuối cùng đã giành tấm vé ứng cử tổng thống đảng Cộng hòa sau chiến thắng bầu cử sơ bộ  tại bang Texas ngày 29-5, với chiến thắng áp đảo hơn 71% số phiếu bầu không còn đối thủ tại bang Texas, kết quả này đã bảo đảm cho M.Romney đủ 1.144 số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên của đảng Con Voi ra tranh cử Tổng thống Mỹ.


Sự vượt ải của ông M.Romney cũng đồng nghĩa với sự khởi đầu của một cuộc chiến mới khốc liệt hơn, mang tính quyết định "một mất một còn" với đương kim Tổng thống B.Obama để giành chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng vào cuối năm nay. Và ngày 30-5, cuộc chiến mới đã chính thức khởi động.

Phục hồi kinh tế Mỹ là yếu tố số một trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.


M.Romney cùng đồng minh đã đồng loạt phát động chiến dịch công kích nhiều mặt nhằm vào Tổng thống B.Obama. Với nhận định kinh tế là vấn đề đầu tiên chi phối lá phiếu cử tri trong năm bầu cử 2012, các cộng sự của ông M.Romney đang tìm mọi cách tô vẽ hình ảnh một ông B.Obama không thích hợp với vai trò lãnh đạo và điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các dẫn chứng được ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa này đưa ra là vụ chính quyền Obama hồi năm 2009 đã bảo lãnh cho 4 công ty năng lượng tái tạo, trong đó có Công ty Solyndra, vay 535 triệu USD để đổi lại là các khoản tiền đóng góp lớn. Tuy nhiên, các công ty này sau đó đã làm ăn thua lỗ và bị phá sản. Vị cựu Thống đốc 65 tuổi từng là một doanh nhân thành đạt này cho rằng ông B.Obama phung phí tiền của người đóng thuế Mỹ, không có sự hiểu biết đầy đủ về kinh tế thị trường tự do, ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế tư nhân - một thành phần có vai trò sống còn đối với kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, các nhóm thân đảng Cộng hòa như PAC Amerrican Crossroads vừa thông báo sẽ chi tổng cộng 1 tỷ USD cho quảng cáo trong năm bầu cử 2012 để giúp ông M.Romney trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng. Dễ dàng nhận thấy, thế mạnh của ông M.Romney trước hết là có nguồn tài chính dồi dào, đội ngũ tranh cử hùng hậu, bài bản và tổ chức khá chặt chẽ. Bên cạnh đó các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ chưa cảm thấy kinh tế phục hồi, hay hiệu quả của chiến lược tạo việc làm mà ông Obama đề ra... Đây là những cơ hội thực sự cho ông M.Romney. Hơn thế, dù ông M.Romney không phải là ứng cử viên bảo thủ truyền thống, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Cộng hòa vì họ xác định ông là người có khả năng nhất có thể ngăn chặn ông B.Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo và cử tri Cộng hòa cũng lo lắng vì với một ứng cử viên ôn hòa như ông Romney liệu có lặp lại kịch bản năm 2008 khi họ ủng hộ ông John McCain cũng ôn hòa về mặt xã hội nhưng sau đó đã bị thất bại trước ông B.Obama.

Đối thủ M.Romney đã lộ diện nhưng dường như không làm đương kim Tổng thống B.Obama e ngại bằng thực trạng kinh tế của nước Mỹ. Hơn ai hết, ông B.Obama hiểu rằng, rào cản lớn nhất để ông tái đắc cử chính là những khó khăn kéo dài của nền kinh tế. Theo kết quả thăm dò, có tới 52% cử tri xác định kinh tế là yếu tố số một chi phối lá phiếu của họ trong năm tổng tuyển cử 2012. Kinh tế hồi phục chậm, các cử tri bi quan về tương lai và tỷ lệ ủng hộ những gì Tổng thống B.Obama đã làm hầu hết bị kẹt ở vùng nguy hiểm, dưới 50%. Điều này có nghĩa là ông B.Obama có thể phải trải qua một giai đoạn khó khăn để theo kịp những gì đã thể hiện hồi năm 2008 khi những cam kết thay đổi của ông đã giúp chiến thắng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain với 53% phiếu ủng hộ.

Rõ ràng, Tổng thống B.Obama và đối thủ M.Romney đều đang cố gắng hết sức để thể hiện điểm mạnh của mình. Liệu M.Romney có khiến B.Obama thành Tổng thống một nhiệm kỳ hay vị Tổng thống da màu tiếp tục tái cử và chèo lái nước Mỹ thêm 4 năm nữa? Dù sáu tháng nữa mới có đáp án nhưng thời điểm này cuộc đua đã rất sít sao và được dự đoán có nhiều bất ngờ đến phút chót.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến “một mất một còn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.