Thế giới

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Hoàng Linh 12/08/2023 - 07:05

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Mỹ đã ban hành sắc lệnh cấm một số khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc. Sắc lệnh do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký làm dấy lên lo ngại về những hệ lụy đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp và ngành sản xuất bán dẫn.

quoc-te.jpg
Sắc lệnh hành pháp mới bổ sung vào các quy tắc sâu rộng mà Mỹ đã thúc đẩy vào tháng 10-2022 nhằm cắt giảm xuất khẩu vi xử lý và công cụ bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc.

Theo sắc lệnh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ có quyền cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: Chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Sắc lệnh cũng yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác. Các quy định chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, không ảnh hưởng đến các khoản đầu tư hiện có.

Sắc lệnh lần này nối dài chuỗi hành động của Washington trong việc hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ tiên tiến. Sắc lệnh mang mục đích ngăn chặn nguồn vốn và công nghệ Mỹ có thể hỗ trợ phát triển các công nghệ hiện đại hóa nền quân sự Trung Quốc, gián tiếp làm suy yếu an ninh quốc gia xứ Cờ hoa.

Phản ứng trước sắc lệnh cấm đoán mới, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, nói rằng sắc lệnh này “đi lệch hướng khỏi những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng và kinh tế thị trường mà Mỹ luôn luôn ủng hộ” và rằng Bắc Kinh có quyền đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cáo buộc cách làm của Mỹ là sự “bắt nạt công nghệ”, sẽ gây gián đoạn ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ trích Mỹ “thường xuyên chính trị hóa các vấn đề công nghệ và thương mại, sử dụng chúng như một công cụ và vũ khí nhân danh an ninh quốc gia”. Mới đây, Bắc Kinh đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germani, hai nguyên liệu chính được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chíp, từ ngày 1-8.

Giới quan sát nhận định, động thái của Nhà Trắng có thể gia tăng rủi ro với nền kinh tế toàn cầu. Trước hết, nó sẽ “đổ dầu vào lửa” quan hệ vốn căng thẳng từ trước giữa hai cường quốc, khi cản trở nỗ lực song phương nhằm khôi phục đối thoại cấp cao Mỹ - Trung Quốc đã rơi vào ngưng trệ sau khi một khinh khí cầu bị nghi là gián điệp xuất hiện trên bầu trời Mỹ trong năm nay. Sự căng thẳng về chính trị có thể khiến nền kinh tế hai nước tiếp tục phân tách nguy hiểm. Dù vậy, giới chức Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm rằng, các lệnh cấm chỉ nhằm giải quyết rủi ro an ninh quốc gia “nguy hiểm nhất” và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.

Nhiều ý kiến đánh giá, lệnh cấm có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với dòng chảy tài chính và xu hướng phát triển của lĩnh vực công nghệ toàn cầu, nhất là giữa bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều công ty, nhất là các hãng gia công vi xử lý, phải thắt lưng buộc bụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, sắc lệnh lần này là một “đòn mạnh” vào các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân của Mỹ, cũng như các liên doanh, vào trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong khi đó, một thực tế không thể phủ nhận là nhiều quan hệ đầu tư có sự hợp tác Mỹ - Trung Quốc đã đơm hoa kết trái, điển hình là DCM - một trong những quỹ đầu tư hàng đầu tại Thung lũng Silicon (Mỹ) - hậu thuẫn thành công cho musical.ly, nền tảng video ngắn sau này trở thành TikTok.

Ngoài ra, cũng phải kể tới “hiệu ứng dây chuyền” có thể phát sinh mâu thuẫn, khi Mỹ đang ra sức thuyết phục các đồng minh có hướng đi tương tự. Washington hy vọng, bước đi đầu của mình sẽ khuyến khích một số quốc gia hành động. Tuy nhiên, mong muốn này được giới quan sát cho là chưa thể thành hiện thực, bởi các nước còn lo ngại rằng hành động của Mỹ có thể đi quá xa, hoặc đang vấp phải trở ngại về pháp lý trong nước. Các quan chức Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ đã thẳng thắn nêu rõ, Tokyo không có ý định sửa đổi luật đầu tư ra nước ngoài.

Nhìn chung, dù còn những khúc mắc chưa thể giải quyết “một sớm một chiều”, với tư cách là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, mọi quyết sách đưa ra của hai quốc gia cần cân nhắc tới lợi ích chung của nền kinh tế thế giới. Trên quan điểm này, Mỹ - Trung Quốc cần ưu tiên giữ ổn định quan hệ và bảo đảm chắc chắn rằng cạnh tranh sẽ không chệch hướng thành xung đột. Đây cũng là quan điểm chung mà lãnh đạo hai nước đã đạt được nhất trí trong cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) tháng 10-2022.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.