(HNM) - Sự sụp đổ của IS tại Baghouz chưa thể coi là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này khi IS vẫn tiếp tục chiến dịch tấn công du kích tại nhiều địa bàn ở miền Bắc Iraq.
Không chỉ vậy, lá cờ đen của tổ chức này vẫn đang tiếp tục là biểu tượng tinh thần của những phần tử cực đoan ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, IS vẫn tiếp tục được coi là một nguy cơ an ninh không thể xem nhẹ.
Cờ của SDF được kéo lên ở làng Baghouz, thành trì cuối cùng của IS tại Syria. |
Từ năm 2014, lợi dụng tình hình bất ổn nghiêm trọng tại Syria và Iraq với khoảng trống quyền lực bị bỏ ngỏ, IS đã nhanh chóng nổi lên, chiếm đóng phần lớn lãnh thổ hai quốc gia này, biến những vùng đất trù phú và thanh bình thành căn cứ địa nhằm nuôi giấc mộng xây dựng một nhà nước Hồi giáo của riêng chúng. Sau gần 5 năm, nỗ lực của các liên minh quốc tế do Mỹ và Nga hậu thuẫn đã xóa sổ phần lớn mạng lưới IS, thu hồi lại các vùng lãnh thổ từng bị tổ chức này kiểm soát. Baghouz được xem là vùng đất cuối cùng nằm dưới sự kiểm tỏa của tổ chức khủng bố. SDF đã phát động chiến dịch tấn công vào khu vực này từ ngày 10-3. Với các cuộc giao tranh ác liệt, chiến thắng tại Baghouz là một cột mốc lớn trong cuộc chiến chống IS của các lực lượng quốc tế trong gần nửa thập kỷ qua. Đây cũng được coi là thời khắc quan trọng trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 9 tại Syria khi tổ chức khủng bố khét tiếng với lực lượng hùng hậu và cơ cấu tổ chức quy mô bị đánh bật khỏi quốc gia này.
Tuy nhiên, việc đánh bại IS trên thực địa được cho là chưa thể giúp loại bỏ hết các nguy cơ an ninh mà nhóm khủng bố mang lại. Một số tay súng IS vẫn đang cố thủ tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền Trung Syria và xuất hiện rải rác tại nhiều thành phố của Iraq để thực hiện các vụ xả súng bất ngờ, bắt cóc dân thường và chờ đợi cơ hội để trỗi dậy. Trong khi đó, hàng chục nghìn phần tử IS đã di chuyển đến các khu vực khác trên thế giới, giao tranh với các lực lượng chính phủ từ Nigeria tới Afghanistan. Các chi nhánh của IS, từ Tây Phi đến Indonesia vẫn không có dấu hiệu ngừng hoạt động...
Nguy cơ đến từ các tay súng là công dân nước ngoài của IS, chủ yếu là các nước phương Tây đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm. Liên hợp quốc ước tính, IS hiện có từ 14.000 đến 18.000 tay súng thành viên, trong đó có tới 3.000 phần tử khủng bố nước ngoài. Hiện các nước châu Âu đang "đau đầu" tìm lời giải cho thực trạng các công dân của mình tham chiến trong hàng ngũ IS ở Syria hồi hương. Các cơ quan tình báo Anh cho biết, khoảng 900 tay súng Anh đã đến Syria, 20% trong số này đã chết và 40% sẽ trở về. Trong khi đó theo các số liệu thống kê của Ðức, kể từ năm 2013 đến nay, hơn 1.000 người Ðức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq. Khoảng một phần ba trong số này quay trở về Ðức. Với việc đã tiêm nhiễm và tôn sùng “giáo lý” đen tối của IS, thật khó bảo đảm rằng những phần tử này không phải là mầm mống gieo rắc tư tưởng cực đoan và mưu toan thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay tại quê hương mình.
Dù đã bị mất hầu hết các vùng lãnh thổ từng chiếm đóng, song IS vẫn có thể duy trì hoạt động thông qua các quỹ tiền mặt, kinh doanh hoặc các hoạt động tội phạm. Ước tính, nguồn dự trữ tài chính của IS dao động từ 50 triệu đến 300 triệu USD. Do đó, thế giới chưa thể lạc quan về một tương lai yên bình, khi mà hệ tư tưởng cực đoan mới là chiến trường thực sự của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Vì thế, việc tiễu trừ các phần tử IS vẫn là cuộc đối đầu lâu dài chưa hồi kết, một nhiệm vụ đầy thử thách của các quốc gia trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.