Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cuộc chiến” cam go

Hương Ly| 05/11/2011 07:03

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã thanh tra tại 500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chuyển giá và phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách thuế.


Qua thanh tra, Bộ Tài chính kết luận số lỗ của DN FDI giảm 3.754 tỷ đồng, truy thu 978 tỷ đồng tiền thuế và xử phạt 200 tỷ đồng… Những con số trên cho thấy, hình thức chuyển giá, trốn thuế của DN đang diễn ra phổ biến, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử phạt hành vi chuyển giá là một "cuộc chiến" đầy cam go.


Các DN FDI sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Đồng vừa bị xử phạt do có hành vi chuyển giá, gian lận thuế.  Ảnh: Huy Hùng

Chuyển giá:Tác hại kép

Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam, nhiều DN FDI đã có hành vi chuyển giá (chuyển lợi nhuận thực tế của DN sang quốc gia khác có thuế suất thấp hơn để nộp thuế) gây thất thu lớn cho NSNN. Tại Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã "điểm mặt" không ít DN FDI báo cáo lỗ nhiều năm nhưng quy mô sản xuất, kinh doanh vẫn không ngừng mở rộng. Kết quả cho thấy, số lỗ của DN sau thanh tra giảm hàng ngàn tỷ đồng so với số liệu do DN tự kê khai. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Kế toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, hoạt động chuyển giá gây nhiều tác động xấu đối với nền kinh tế vĩ mô. Hành vi này còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN khi thực hiện nghĩa vụ về thuế, làm gia tăng nhập siêu. Đơn cử, khi DN FDI nhập máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc, họ nhập với giá rất cao của công ty mẹ và như vậy nhập khẩu sẽ tăng lên, nhập siêu gia tăng. Nhập siêu tạo ra áp lực đối với tỷ giá và VND sẽ chịu áp lực...

Tuy nhiên, việc xử lý hành vi chuyển giá trên thực tế lại không đơn giản. Trường hợp xử phạt các DN FDI sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Đồng vừa qua là một điển hình. Thông qua quy trình nghiệp vụ về kiểm tra thuế, Cục Thuế Lâm Đồng phát hiện giá thành nguyên liệu chính của 1kg chè Ô Long là 175.000 đồng. Trong khi đó, các DN FDI xuất khẩu loại chè này sang Singapore chỉ 64.580 đồng/kg. Kết quả kiểm tra tại trụ sở các DN FDI này đã giúp cơ quan thuế kết luận về hành vi chuyển giá của DN. Tuy nhiên, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải phối hợp đấu tranh và dùng nhiều biện pháp xử lý, DN này mới chấp nhận điều chỉnh giá chè xuất khẩu, nhưng vẫn còn thấp hơn so với giá trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, hành vi chuyển giá rất khó phát hiện bởi các công ty kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán cũng chỉ dừng ở kiểm toán chứng từ, tức là so sánh tài liệu hạch toán trong hệ thống kế toán với tài liệu gốc. Nếu như chứng từ kế toán khớp với tài liệu gốc, đơn vị kiểm toán chấp nhận giao dịch. Đơn vị kiểm toán thường không tiến hành điều tra thực tế xem tài liệu gốc ấy có dấu hiệu của hành vi gian lận hay không. Trong khi đó, khi chuyển giá, DN sẽ hợp thức hóa hồ sơ bằng nhiều cách để gian lận.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra hàng trăm DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, lỗ liên tục hai năm trở lên, hoặc lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra tại 500 DN FDI, hàng loạt sai phạm đã được phát hiện. Cơ quan thuế đã kết luận giảm lỗ của DN tổng cộng là 3.754 tỷ đồng; truy thu 978 tỷ đồng tiền thuế; giảm lượng khấu trừ thuế 87 tỷ đồng và xử phạt 200 tỷ đồng. Đây chỉ là những kết quả bước đầu trong công tác chống chuyển giá và nỗ lực của ngành chức năng đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa với những DN có hành vi gian lận thuế. Song, theo các chuyên gia, để phát hiện và ngăn ngừa hành vi chuyển giá, chống thất thu NSNN, cần những nỗ lực từ nhiều phía. Ông Colins Clavey, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, để chống chuyển giá, mỗi quốc gia cần có một đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này. Kinh nghiệm cho thấy, để xây dựng được đội ngũ chuyên gia có thể đàm phán với các công ty đa quốc gia về vấn đề chuyển giá, họ phải mất 2-3 năm nghiên cứu, điều tra, thậm chí học hỏi kinh nghiệm của các công ty kiểm toán nước ngoài. Một số quốc gia cũng đã đưa ra Luật Chống chuyển giá. Để hiệu lực hóa luật này, sẽ có một hội đồng gọi là hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá. Hội đồng này có vai trò kết nối các cơ quan chức năng nhà nước, như thuế, hải quan, quản lý đầu tư, công an và kiểm sát để giải quyết các vụ việc quan trọng. Bởi, tác động của hành vi chuyển giá không chỉ đơn thuần là tiền thuế, nên nếu giao trách nhiệm cho cơ quan thuế sẽ không xử lý được các tác động vĩ mô khác…

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của hành vi chuyển giá tại DN, gây thất thu NSNN, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh để chống chuyển giá. Năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC, văn bản pháp lý đầu tiên về chống chuyển giá, đồng thời mở rộng việc kiểm tra, xử lý DN FDI có dấu hiệu gian lận, trốn thuế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 818/VPCP-QHQT, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để nghiên cứu vấn đề chuyển giá tại DN FDI.

Với những nỗ lực của các ngành chức năng, hành vi gian lận thuế thông qua hình thức chuyển giá sẽ được kiểm soát chặt nhằm giảm thiểu tình trạng thất thu NSNN cũng như những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” cam go

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.