Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc cải tổ nhiều thách thức

Thùy Dương| 30/04/2017 07:12

(HNM) - Quyết định nhằm hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử đáng chú ý nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố gói đề xuất chính sách thuế mới, theo đó thực hiện cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đánh vào doanh nghiệp và cá nhân.

Gói đề xuất thuế mới của Tổng thống D.Trump bị đánh giá sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của nước Mỹ.


Theo kế hoạch này, đối tượng đóng thuế tại Mỹ sẽ được cắt giảm xuống còn 3 nhóm 10%, 25% và 35%. Thuế doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 15% từ mức 39,6% như hiện nay - mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 1986, đồng thời sẽ chỉ đánh thuế một lần lên doanh thu của các công ty Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân, kể cả tầng lớp người giàu, cũng sẽ giảm khá nhiều so với trước đây. Tổng thống D.Trump cho biết, việc cắt giảm thuế ồ ạt dựa trên nguyên tắc bảo vệ người dân và cam kết các loại thuế doanh nghiệp sẽ thấp hơn từ 15% đến 20% so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo gói đề xuất này, các sản phẩm xuất xứ nước ngoài sẽ phải chịu mức thuế cao.

Trong suốt quá trình tranh cử, Tổng thống D.Trump hứa sẽ tăng thuế xuất nhập khẩu để bù cho việc cắt giảm thuế doanh nghiệp. Tuy còn phải tiếp tục làm việc với Quốc hội về những nội dung chi tiết, song với đề án cải cách thuế táo bạo này, chính quyền của tân chủ nhân Nhà Trắng kỳ vọng sẽ tạo cú hích tích cực, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người Mỹ.

Tuy nhiên, dù kế hoạch được đánh giá là tham vọng và theo lời Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mô tả sẽ là đề xuất cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và sẽ đóng vai trò hướng dẫn cho Quốc hội khi các nghị sĩ tìm cách thông qua dự luật cải cách thuế trong những tháng tới, các quan chức cấp cao vẫn chưa làm rõ được chính quyền sẽ dựa vào nguồn thu nào để bù đắp cho thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế. Cải cách thuế là một quá trình gian nan và giới lập pháp phải cân bằng mối quan tâm của nhiều bên liên quan khác nhau.

Khi ông D.Trump đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15%, nhiều nhà phân tích cho rằng điều này sẽ cộng thêm hàng nghìn tỷ USD vào nợ công của Mỹ. Theo phân tích của Trung tâm Chính sách thuế, việc cắt giảm được dự đoán sẽ ngốn 6,2 nghìn tỷ USD tiền ngân sách của Chính phủ trong 10 năm đầu tiên và đến năm 2036, con số này sẽ vượt 20 nghìn tỷ USD. Thế nhưng, có một điều luật của Thượng viện quy định không cho phép bất cứ một dự thảo liên quan đến thuế khóa nào làm gia tăng thâm hụt liên bang trong khoảng thời gian 10 năm. Nếu dự thảo vẫn được thông qua thì có nghĩa là chính quyền Mỹ phải tiến hành thủ tục dung hòa ngân sách.

Ngay trước khi Nhà Trắng công bố gói đề xuất thuế mới, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết với việc giảm thuế, đảng Con Voi cũng nhắm tới việc loại bỏ một loạt các khoản giảm trừ thuế có lợi cho tất cả mọi người, từ chủ sở hữu nhà còn đang thế chấp đến các nhà tài trợ từ thiện. Trong khi đó, rất nhiều nghị sĩ Dân chủ đã lên tiếng phản đối đề xuất trên và khẳng định họ sẽ ngăn chặn kế hoạch này tại Quốc hội. Những thành viên đảng Con Lừa cho rằng trong lịch sử, các kế hoạch thuế của đảng Cộng hòa có lợi cho người giàu và làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của Mỹ.

Cam kết của Tổng thống D.Trump về việc công bố một kế hoạch liên quan đến thuế trong 100 ngày đầu tiên điều hành đất nước đang đặt ra vấn đề các cải cách thuế sẽ triệt để đến đâu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những đề xuất về thay đổi thuế khóa của ông chủ Nhà Trắng khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua bởi những bất cập của chính sách thuế mới đối với nguy cơ gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia vốn đã cao hơn 104%/GDP. Rất có thể giống như Đạo luật chăm sóc sức khỏe Mỹ hay còn gọi là Trumpcare đã bị Quốc hội “đánh chìm” gần đây, kế hoạch thuế của người đứng đầu nước Mỹ không dễ được thực thi khi đang là nguyên nhân của nhiều tranh cãi tại đồi Capitol.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cải tổ nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.