(HNM) - Ngày 2-7, Ủy ban Châu Âu (EC) đã mở hồ sơ pháp lý mới nhằm vào Ba Lan do lo ngại những thay đổi mà Vacsava áp dụng với Tòa án Tối cao có thể làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này cũng như tính thượng tôn pháp luật, 2 nguyên tắc chủ chốt của Liên minh Châu Âu (EU).
(ảnh minh họa) |
Bất đồng giữa EC và Ba Lan bùng phát từ cuối năm 2017 khi Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao với nhiều điểm mới, trong đó có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 xuống còn 65. Khi luật có hiệu lực vào ngày 3-7, hơn một phần ba trong tổng số 74 thẩm phán hiện nay sẽ bị buộc thôi việc.
Ngoài ra, Quốc hội do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền chiếm đa số có thể chọn lựa thành viên Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) và có quyền bổ nhiệm thẩm phán. Điều này khiến PiS có thể tăng cường quyền kiểm soát chính trị với Tòa án Tối cao.
Trên thực tế, Brussels đã tiến hành các cuộc đối thoại với Vacsava để giải quyết tranh cãi, song EC cho rằng, Ba Lan vẫn chưa có nhiều tiến bộ, buộc ủy ban phải có hành động cần thiết. Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình pháp lý mà EC áp dụng đối với một quốc gia thành viên do vi phạm quy định của khối. Ba Lan sẽ có một tháng để phúc đáp và nếu không thấy thỏa mãn, EC sẽ tiến hành các bước tiếp theo mà bước cuối cùng là đưa vấn đề ra Tòa án Công lý Châu Âu.
EC cho rằng hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp. EU có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, vốn quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu của EU.
Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn. Nếu EC chưa hài lòng, Ba Lan sẵn sàng ra hầu tòa. Theo ông, Tòa án Công lý Châu Âu chỉ là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan tới luật của EU, còn chuyện cải cách tư pháp này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của mỗi quốc gia thành viên.
Lấy dẫn chứng tại một số nước thành viên EU, như Tây Ban Nha và Đức, các chính trị gia cũng đóng vai trò lựa chọn một số thẩm phán, Ngoại trưởng Jacek Czaputowicz không ngần ngại chỉ trích EU áp dụng "tiêu chuẩn kép" với các nước thành viên.
Trước mắt, EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mở hồ sơ pháp lý mới của EC. Chưa biết, sau thời hạn này EC sẽ triển khai những bước đi nào nếu Vacsava không đưa ra được những giải thích phù hợp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, Chính phủ Ba Lan đang ngày càng tạo ra những chính sách "lệch pha" với EU, từ việc từ chối phân bổ người tị nạn, khuyến khích khai thác gỗ trong một khu rừng nguyên sinh, việc kiểm soát truyền thông công lập và bây giờ là cải cách tư pháp.
Những bước đi lạc nhịp của Ba Lan làm dấy lên lo ngại rằng, quốc gia Đông Âu này sẽ là thành viên tiếp theo nối gót Anh rời khỏi EU trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.