Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng với thách thức là cơ hội

Nguyễn Linh| 01/05/2016 10:36

(HNM) - Quá trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị bài bản, chu đáo thì đây cũng là thời cơ để Công đoàn Việt Nam vươn lên khẳng định vị trí và vai trò của mình.

Cán bộ Công đoàn TP Hà Nội tuyên truyền, phổ biến đến công nhân lao động về công tác bầu cử. Ảnh: Xuân Trường


Đoàn kết, hợp sức

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, trước áp lực hội nhập ngày càng sâu rộng, công ty đã xây dựng và quyết liệt thực hiện lộ trình đổi mới trang thiết bị, phương pháp quản lý sản xuất, tổ chức lại dây chuyền. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn động viên người lao động (NLĐ) tích cực học tập, rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ. Ngay từ đầu năm, do nhiều lao động nghỉ việc, công ty đã chuyển đổi mô hình sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn kiến nghị và giám sát việc công ty thực hiện công khai kết quả sản xuất - kinh doanh, kế hoạch phát triển, các chế độ, chính sách, thang bảng lương, nghiêm túc thực hiện Nghị định 122 về lương tối thiểu năm 2016, BHXH, BHYT. Nhờ vậy, NLĐ hiểu rõ về tình hình doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, nỗ lực tìm giải pháp cùng công ty tháo gỡ khó khăn. Sự đoàn kết, hợp sức của lãnh đạo, Công đoàn và NLĐ đã trở thành sức mạnh giúp công ty vượt qua không ít trở ngại.

Đón đầu TPP, Công đoàn ngành công thương Hà Nội tổ chức các hội thảo, thi tuyên truyền viên về "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hội thi công nhân giỏi, thi sáng kiến sáng tạo… Từ các hoạt động, Công đoàn truyền đạt thông tin, trao đổi kinh nghiệm giúp cán bộ Công đoàn, NLĐ và cán bộ trực tiếp làm công tác tổ chức chính sách, lao động tiền lương tại các đơn vị, doanh nghiệp nắm chắc kiến thức, thời cơ, thách thức trong thời gian tới để lựa chọn, tham mưu, đề xuất, kiến nghị phù hợp. Chủ tịch Công đoàn ngành công thương Hà Nội Phạm Thị Phương Anh cho rằng, để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công nhân phải giỏi mới có thể tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao; hoạt động Công đoàn cũng phải khéo léo, hiệu quả hơn, sao cho đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống CNLĐ, năng suất, chất lượng sản phẩm. Chỉ khi nhìn vào hiệu quả, cả NLĐ và người sử dụng lao động mới có thể công nhận vị thế của tổ chức Công đoàn; hoạt động Công đoàn mới được ủng hộ.

Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động


Khi TPP có hiệu lực, NLĐ sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của mình không thuộc hệ thống Công đoàn. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, nếu không đổi mới cách thức, nội dung hoạt động, sẽ có nguy cơ NLĐ không gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiều như hiện nay. Không những thế, nếu tổ chức Công đoàn hoạt động hời hợt, không thực sự đại diện, bảo vệ hiệu quả quyền lợi của NLĐ, thì đoàn viên sẽ thôi không tham gia Công đoàn. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động Công đoàn đã được tổ chức Công đoàn tích cực thực hiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện việc xây dựng pháp luật liên quan đến lao động, quan hệ lao động phù hợp với tiến trình hội nhập. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cán bộ Công đoàn các cấp để làm tốt vai trò đại diện; sẵn sàng đồng hành cùng tháo gỡ những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Ngoài ra, Công đoàn tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và phương pháp tập hợp NLĐ; cùng với chủ doanh nghiệp cải thiện mức sống, điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ…

Trước thời điểm TPP chính thức có hiệu lực là giai đoạn chuẩn bị rất quan trọng của tổ chức Công đoàn. Song song với tuyên truyền phát triển đoàn viên, các cấp Công đoàn cần nâng cao chất lượng hoạt động bởi đây là minh chứng có sức thuyết phục nhất đối với NLĐ. Công đoàn phải thể hiện rõ vai trò của mình trong việc giám sát, bảo đảm các chế độ, chính sách đối với NLĐ được thực hiện đầy đủ, bảo vệ thực chất hơn các quyền và lợi ích chính đáng của CNLĐ. Đồng thời là cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Để đạt được thì trình độ, kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đóng vai trò then chốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng với thách thức là cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.