Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cung ứng giống vật nuôi: Vẫn tự phát, không có thương hiệu

Ngọc Quỳnh| 15/01/2014 06:18

(HNM) - Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách để phát triển giống gia súc, gia cầm, thế nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Các địa phương chưa xây dựng được vùng sản xuất giống tập trung mà chủ yếu vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ trong các hộ dân. Hầu hết các loại con giống phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành thường cao, gây khó khăn cho quá trình sản xuất.

Hiệu quả chưa cao

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay chất lượng giống vật nuôi trong nước đã được cải thiện đáng kể. Giống lợn ông bà hiện có 2.310 con, hằng năm sản xuất ra khoảng 12.000 lợn bố mẹ, đáp ứng 30% nhu cầu thay thế đàn bố mẹ tại các trại. Giống gà nội được chọn lọc thuần hóa như gà Ri, gà Mía, gà Lai, gà Hồ, gà Tre… chất lượng thịt, trứng thơm, ngon, tuy nhiên do không được chọn lọc lai tạo, duy trì nhân nuôi giống nên mỗi con chỉ đạt 1,2-1,5kg, trong khi thời gian nuôi dài 6-7 tháng nên mất khá nhiều công. Giống gà Mía tồn tại ở phạm vi hẹp, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, quảng canh, con giống chủ yếu tự sản tự tiêu nên hiệu quả không cao. Do không có giống gốc, không được chọn tạo dẫn đến tình trạng đồng huyết làm giảm năng suất và nguy cơ mất giống quý hiếm. Mỗi năm, Hà Nội cần trên 54 triệu con giống bố mẹ để sản xuất giống ra thị trường nhưng phải nhập khẩu giống bố mẹ tới 90%.

Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Minh Đức cho biết, phát triển giống hiện nay vẫn chưa xác định được vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao, không xây dựng được thương hiệu giống của các vùng; chưa đào tạo chuyên sâu về chuyên môn cho các cơ sở sản xuất giống và cán bộ làm công tác quản lý giống. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý nhà nước quá ít, việc sản xuất giống nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý dịch bệnh, chất lượng giống bò sữa, bò thịt và lợn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở sản xuất giống chất lượng cao còn ít, việc sử dụng giống năng suất cao còn hạn chế, chưa hình thành hệ thống cung ứng giống bảo đảm chất lượng, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo thấp. Một số địa phương do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa nhận thức rõ lợi ích của công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống nên vẫn phối giống theo phương thức phối trực tiếp.

Xác định vùng sản xuất giống tập trung

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, mục tiêu trong phát triển chăn nuôi của Hà Nội là tập trung vào phát triển con giống. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giống, Hà Nội đang tiến tới xây dựng vùng sản xuất tập trung, theo đó giống lợn sẽ phát triển ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sơn Tây… quy mô đạt trên 1.000 lợn ông, bà, bố mẹ/vùng. Giống gia cầm, thủy cầm phát triển ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn…, trong đó khuyến khích xây dựng trại gà giống ông bà với quy mô 5.000-10.000 con/trại để đáp ứng nhu cầu giống. Đồng thời tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa gắn với việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm… Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất giống tập trung để các chủ trại hoạt động có hiệu quả; đầu tư nâng cấp các trang thiết bị kiểm nghiệm của các trung tâm giống, hỗ trợ thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác lai tạo giống lợn, giống bò thịt, bò sữa.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thanh Sơn nhận định, hiện nay việc quản lý giống đã có bước cải tiến nhưng vẫn còn trôi nổi trên thị trường, giống giả, giống kém chất lượng vẫn còn trà trộn. Trong định hướng phát triển về giống, Hà Nội cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống từ các trung tâm giống xuống các trang trại chăn nuôi thông qua tập huấn; xây dựng phần mềm quản lý giống từ cấp huyện đến thành phố và trung ương để có thể kiểm soát được chất lượng ở các cơ sở sản xuất giống. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống căn cứ vào mục tiêu, định hướng vùng sản xuất tập trung và chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để chủ động phối hợp với các địa phương sản xuất, cung ứng giống để đáp ứng mục tiêu sản xuất giống hằng năm theo kế hoạch. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, nếu phát hiện kém chất lượng phải tịch thu toàn bộ, đưa danh sách các cơ sở này lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân yên tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cung ứng giống vật nuôi: Vẫn tự phát, không có thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.