(HNM) - Thời gian gần đây, tội phạm cướp, cướp giật tài sản với phương thức, thủ đoạn manh động, liều lĩnh đã gây ra nhiều vụ án trên địa bàn Thủ đô. Cùng với việc mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, Công an thành phố Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.
Manh động, liều lĩnh cướp tài sản
Tối 23-10 vừa qua, tại khu vực đê sông Nhuệ đoạn qua xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Nguyễn Xuân Trung (sinh năm 1985) cùng Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1983) đã sát hại em T.T.H. (sinh năm 2002, cùng cư trú ở huyện Thường Tín) để cướp điện thoại và xe đạp điện bán lấy 2,8 triệu đồng mua ma túy. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cho thấy mức độ manh động của tội phạm cướp, cướp giật tài sản.
Tương tự, cũng trong tháng 10-2020, vợ chồng anh Nguyễn Trung (sinh năm 1989, trú ở quận Hai Bà Trưng) đang lưu thông trên phố Giảng Võ thì bất ngờ bị hai đối tượng đi xe máy áp sát giật điện thoại đắt tiền. Anh Trung đuổi theo thì bị chúng tấn công rồi bỏ chạy. “Các đối tượng ra tay rất nhanh và manh động chống trả nên người đi đường không kịp và không dám hỗ trợ”, anh Trung kể lại.
Qua những vụ việc xảy ra gần đây, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) phân tích, phương thức hoạt động của tội phạm cướp, cướp giật tài sản rất manh động, liều lĩnh. Nhiều đối tượng mang theo hung khí, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi.
Theo Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, thực tế công tác điều tra, khám phá các vụ án cướp tài sản cho thấy, đa số các đối tượng gây án đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công cụ, phương tiện gây án đến lên kế hoạch... Tội phạm còn lợi dụng triệt để những sơ hở, mất cảnh giác của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội, như: Đợi sẵn tại các đoạn đường vắng, thiếu hệ thống chiếu sáng và ít người qua lại, khi phát hiện “mục tiêu” gây án thì chặn, hoặc đuổi theo khống chế để chiếm đoạt tài sản. Có đối tượng còn giả là khách thuê “xe ôm” công nghệ, taxi... rồi điều nạn nhân đến chỗ vắng để cướp tài sản...
Nêu cao cảnh giác, tăng cường trấn áp
Theo quy luật, vào những tháng cuối năm, tội phạm cướp, cướp giật tài sản có xu hướng gia tăng, hoạt động với thủ đoạn manh động và liều lĩnh hơn. Xác định là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cướp, cướp giật tài sản, Thượng tá Hứa Việt Hưng, Trưởng Công an quận Long Biên cho biết, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát hình sự triển khai các biện pháp phòng ngừa như phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này tại các khu dân cư, tổ dân phố nhằm nêu cao ý thức cảnh giác của người dân. Qua đó, nhiều tội phạm hoạt động ở địa bàn đã bị người dân phát hiện, kịp thời hỗ trợ lực lượng công an vây bắt.
Tại các đường, phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cướp, cướp giật tài sản, chính quyền địa phương cũng chủ động vào cuộc phòng ngừa tội phạm. Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) Nghiêm Xuân Hùng khẳng định, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp như tổ chức điểm chốt trực, công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo địa phương, gia cố hệ thống chiếu sáng..., tình trạng cướp giật trên tuyến đê tả ngạn sông Hồng thuộc địa bàn phường giảm mạnh.
Đây cũng là phương pháp được một số chính quyền cấp xã của các huyện Phú Xuyên, Thường Tín - nơi có tuyến đường đê sông Hồng, sông Nhuệ chạy qua, áp dụng. Thiếu tá Cung Quang Tiên, Trưởng Công an xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) cho biết, công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến đê sông Nhuệ qua địa bàn xã là việc hằng ngày của đơn vị, nhất là vào ban đêm, sáng sớm. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với lực lượng công an các xã lân cận như Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các hành vi phạm tội trên tuyến đường này.
Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để tăng cường trấn áp tội phạm cướp, cướp giật, đơn vị đang phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường quân số tuần tra kiểm soát trên mọi tuyến đường. Ngoài ra, 30 tổ công tác 141 sẽ cắm chốt, khép kín các khung giờ trong ngày; các tổ tuần tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra để phát hiện, ngăn ngừa tội phạm cướp giật...
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, theo khuyến cáo của Công an thành phố Hà Nội, yếu tố quan trọng không kém vẫn là mỗi người dân đều phải tự nâng cao ý thức cảnh giác. Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần bình tĩnh và khéo léo phản ánh thông tin đến lực lượng công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện thoại đến số 113, để kịp thời ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.