Góc nhìn

Cũng là bài toán đầu tư

Vũ Ngân 22/10/2023 - 06:23

SEA Games 32 kết thúc đã lâu và ASIAD 19 cũng vừa khép lại, đời sống thể thao vẫn sôi nổi với những điểm nhấn thu hút sự chú ý của người hâm mộ.

Trong bối cảnh môn thể thao vua - bóng đá nam có sự chững lại nhất định ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia và tuyến trẻ, sự chú ý hướng đến hành trình thi đấu của nhiều đội tuyển, cá nhân ở bộ môn khác, như cầu lông, bóng chuyền, điền kinh..., quá trình hiện thực hóa mục tiêu giành tấm vé tham dự Olympic 2024 cũng như sự đầu tư của ngành Thể thao nhằm phục vụ mục tiêu quan trọng này. Có thể thấy nhiều điều qua thực tế chứ không chỉ là thành tích cụ thể của vận động viên (VĐV).

Chẳng hạn, ngày 16-10, hai ngày sau khi Nguyễn Thùy Linh, tuyển thủ quốc gia môn cầu lông thua tay vợt cựu vô địch thế giới người Ấn Độ, Pusarla Sindhu - hiện đang xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng cầu lông nữ thế giới - với tỷ số 1-2 trong trận tứ kết Giải cầu lông quốc tế Phần Lan mở rộng 2023, trên các diễn đàn của người hâm mộ cầu lông ở Việt Nam và Thái Lan xuất hiện thông tin về việc huấn luyện viên (HLV) người Thái Lan, ông Pakkawat Vilailak đã xuống sân chỉ dẫn Thùy Linh ở trận đấu này.

Đây là thông tin gây ngỡ ngàng không chỉ với người hâm mộ Thái Lan mà còn cả cổ động viên Việt Nam, những người từng tỏ ý kiến “xót xa” khi thường xuyên thấy nữ VĐV cầu lông số 1 Việt Nam (xếp hạng 26 thế giới khi tham dự giải đấu nói trên) “thui thủi một mình” tới ASIAD 19 (Hàng Châu - Trung Quốc) và nhiều giải đấu lớn ở nước ngoài mà không có sự tháp tùng của HLV hay chuyên gia chăm sóc thể lực, y tế. Đã có những lời chất vấn từ CĐV Thái Lan, cho rằng vị HLV Thái Lan không chuyên tâm phục vụ đội tuyển nước nhà mà lại xuống sân giúp đỡ VĐV Việt Nam, và đặt câu hỏi rằng nếu Thùy Linh lọt vào bán kết và thắng VĐV của Thái Lan thì sao. CĐV Việt Nam theo dõi trận đấu nói trên thì nhận xét rằng, sự chỉ dẫn của vị HLV người Thái Lan đã giúp Thùy Linh khá nhiều trong trận đấu đó.

Câu chuyện trên chỉ là một trong số nhiều ví dụ cho thấy sự hiểu biết của người hâm mộ thể thao cũng như tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của các HLV đối với thành tích thi đấu của VĐV, đặc biệt là trong các chuyến du đấu quốc tế. Việc thiếu kinh phí khiến nhiều VĐV Việt Nam phải đơn độc thi đấu ở nước ngoài hoặc hạn chế cơ hội tham gia các giải đấu quốc tế quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu thăng hạng cũng như giành vé tham dự Olympic. Dù đây không phải là lỗi của ngành Thể thao, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, và thực tế là ngay cả nhiều VĐV hàng đầu thế giới thuộc các nền thể thao mạnh, giàu có cũng có lúc “một thân một mình” ra nước ngoài thi đấu, nhưng vẫn là gợi ý về bài học đầu tư cho thể thao.

Sau quãng thời gian đầu tư dàn trải, quãng gần chục năm qua, thể thao Việt Nam bắt đầu tập trung thực hiện phương án đầu tư trọng điểm cho thể thao thành tích cao. Mức đầu tư được thiết lập cho các nhóm môn quan trọng, ưu tiên cho nhóm môn/ nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic hoặc phục vụ mục tiêu giành huy chương trong một số giải đấu quốc tế quan trọng gần kề... Đó là phương án được ủng hộ rộng rãi, phù hợp với điều kiện kinh phí còn hạn chế của ngành nhưng không đủ linh hoạt để chi trả thật tốt cho những trường hợp đột xuất đòi hỏi nguồn kinh phí “ngoài kế hoạch”.

Nhiều VĐV thi đấu đơn môn, đặc biệt là VĐV cầu lông, cờ vua, thường đi thi đấu ở nước ngoài bằng tiền cá nhân, sự ủng hộ của đơn vị chủ quản và kinh phí xã hội hóa, đó là điều bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi Nguyễn Thùy Linh hiện nay hay Nguyễn Tiến Minh trước đây (VĐV cầu lông, từng lọt vào tốp 5 thế giới), hoặc đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, đội chạy tiếp sức nữ và hỗn hợp nội dung 4x400m, Nguyễn Huy Hoàng (VĐV bơi)... thể hiện đà thăng tiến đáng kinh ngạc thì cần sự hỗ trợ thích hợp của ngành Thể thao để họ có thêm cơ hội phát triển vững chắc. Đầu tư trọng điểm, như ông Dương Đức Thủy (từng phụ trách bộ môn điền kinh) nhận xét, cần tầm nhìn và giải pháp đủ ngắn - trung - dài hạn chứ không chỉ là 1 năm hay một kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic.

Sự chủ động, linh hoạt và tầm nhìn đầu tư cho phép ngành Thể thao thích ứng với tình hình và nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao, cả ở khâu tìm kiếm nhân tài, tổ chức đào tạo, tập huấn và thi đấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cũng là bài toán đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.