Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng hợp tác vượt qua thách thức trong quá trình phát triển

Quỳnh Dương| 14/04/2023 17:35

(HNMO) - Chiều 14-4, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 bước vào phần hội thảo chuyên đề gồm 4 phiên về Đô thị bền vững; Văn hóa, di sản và du lịch; Môi trường, nước và xử lý nước; Thành phố thông minh - số hóa. Đây đều là những vấn đề hai bên cùng quan tâm và cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển hướng tới mục tiêu bền vững.

Thúc đẩy hợp tác phi tập trung hướng tới phát triển bền vững

Tại phiên hội thảo với chủ đề “Đô thị bền vững” do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn và Phó Chủ tịch vùng Ile de France (Pháp) Beaudet Stephane đồng chủ trì. Nội dung thảo luận tập trung vào quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn (giữa) và Phó Chủ tịch vùng Ile de France (người phát biểu) đồng chủ trì hội thảo về đô thị bền vững.

Phó Chủ tịch vùng Ile de France (Pháp) Beaudet Stephane cho rằng, các thành phố và cộng đồng bền vững có thể mang đến cho mọi người cơ hội việc làm, tiếp cận các dịch vụ cơ bản như năng lượng, nhà ở, giao thông, không gian công cộng xanh, đồng thời cải thiện việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tới môi trường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các địa phương phải vượt qua nhiều khó khăn. Vấn đề này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi dân cư đô thị, chủ yếu sống ở vùng đồng bằng, đang phải đối mặt với hậu quả của sự nóng lên toàn cầu (nước dâng cao, lũ lụt, bão...). Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương Pháp. Ông Beaudet Stephane hy vọng, hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp sẽ tìm ra những biện pháp ứng phó với những thách thức để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày về kế hoạch hành động đổi mới ở nhiều địa phương của 2 nước. Ông Alois Gaborit, Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Grand Poitiers phụ trách chuyển đổi năng lượng chia sẻ, để bảo vệ tương lai của thành phố, các nhà quy hoạch đã xác định một chiến lược với nhiều định hướng, được công bố công khai và minh bạch, bảo đảm đô thị hóa một cách cân bằng và giữ gìn không gian xanh. Các dự án quy hoạch phải tuân thủ mục tiêu của Kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học; tuyên truyền cách làm hay về đa dạng sinh học trong lĩnh vực xây dựng...

Đại diện quận Hoàn Kiếm đã chia sẻ về hợp tác với Pháp trong lĩnh vực quy hoạch không gian xanh trên địa bàn. Trong đó, nổi bật là Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và Dự án cải tạo vườn hoa Diên Hồng. Dự án đã góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đô thị và cảnh quan khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, xứng tầm di tích Quốc gia đặc biệt, bảo đảm gìn giữ và phát huy được các giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của người dân Hà Nội. 

Phiên hội thảo về Văn hóa, Di sản và Du lịch do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình và Phó Thị trưởng thành phố Toulouse Jean-Claude Dardelet đồng chủ trì đã thảo luận về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hợp tác phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, riêng với lĩnh vực văn hóa, di sản và du lịch, trong giai đoạn 1990-2022, phía Pháp đã hỗ trợ tỉnh nhiều dự án trên lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, đồng thời, có tiếng nói mạnh mẽ với UNESCO về các di sản văn hóa Huế. Nhờ đó, thương hiệu văn hóa di sản Huế đã được nâng tầm và lan tỏa trên khắp thế giới. Pháp là đối tác chính, giúp đỡ Thừa Thiên - Huế tổ chức thành công các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay. Ông hy vọng, mối quan hệ phi tập trung với các địa phương của Pháp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực văn hóa, du lịch, phát huy giá trị di sản....

Tại hội thảo, đại diện thành phố Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Cộng đồng đô thị Grand Poitiers cũng đã chia sẻ về các dự án bảo tồn di sản, phát triển du lịch sinh thái và thúc đẩy hợp tác phi tập trung trong các lĩnh vực nói trên. 

Xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng sống cho người dân

Trong phiên hội thảo về “Môi trường, nước và xử lý nước” do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường và Phó Thị trưởng thành phố Rennes, bà Boukhenoufa Flavie đồng chủ trì, các đại biểu Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Định, Ninh Thuận đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tăng cường hợp tác để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường chia sẻ, đến nay, nhiều địa phương Việt Nam đã chủ động hợp tác với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông, khai thác sử dụng các nguồn nước liên tỉnh; hình thành nhiều mô hình liên kết bảo vệ hành lang đa dạng sinh học và vùng đệm trong các khu bảo tồn thiên nhiên… Việc đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết, hợp tác trong bảo vệ môi trường đã nâng cao năng lực dự báo, tăng cường khả năng phòng ngừa, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng và trên phạm vi cả nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường... Công cuộc bảo vệ môi trường của các địa phương Việt Nam không chỉ dựa trên nội lực mà còn cần đến những kinh nghiệm và hợp tác từ bạn bè quốc tế. Với thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ  môi trường hiện đại, các địa phương Pháp, các nhà đầu tư Pháp luôn được xem là các đối tác tin cậy của Việt Nam trong nỗ lực phát triển bền vững.

Qua các bài tham luận về Dự án hợp tác giữa thành phố Huế với thành phố Rennes trong quy hoạch không gian xanh và nông nghiệp bền vững, Dự án hợp tác giữa Nghiệp đoàn nước và Xử lý nước Pháp (SEAFF/SFL) với tỉnh Bình Định, Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030, cũng như những chia sẻ về các kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bạc Liêu..., các đại biểu cho rằng, bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các địa phương. Chính vì vậy, hợp tác song phương giữa hai nước nói chung, giữa các địa phương hai nước nói riêng trong lĩnh vực này, đã sôi động trong thời gian qua, hứa hẹn còn nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới. 

Tại phiên hội thảo “Thành phố thông minh - số hóa” do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và ông Denis Thuriot, Chủ tịch vùng Nevers đồng chủ trì, các đại biểu đã thảo luận về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Các đại biểu tham luận trong phiên hội thảo Thành phố thông minh - số hóa.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Thúc đẩy chuyển đổi đã làm xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản trị quốc gia. Tại Việt Nam, Trung ương đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng để làm nền tảng phát triển, như: Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”...

Đại biểu vùng Never cho rằng, kỹ thuật số có thể tạo ra một cú hích mới cho phát triển kinh tế địa phương. Ví dụ, năm 2017, Never đã lắp đặt eTree, một cây năng lượng mặt trời được kết nối cung cấp các dịch vụ miễn phí, do Solar Tree Europ thiết kế. Điều này tượng trưng cho “sự thay đổi kỹ thuật số” mà chúng tôi đã thực hiện ở Nevers. Thiết kế của thành phố thông minh ở Nevers bắt đầu với hai câu hỏi: Dành cho ai? Để làm gì? Con người phải là trung tâm của cách tiếp cận thành phố thông minh bao gồm nhiều chủ đề: Giáo dục, văn hóa, an toàn cũng như công nghệ xanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng hợp tác vượt qua thách thức trong quá trình phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.